Phát biểu tại hội thảo chiều 15/12, ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy thành phố Hạ Long khẳng định, văn hóa thông qua các mặt giá trị tích hợp trong di sản văn hóa có khả năng góp vốn văn hóa nhằm phát triển giá trị kinh tế, góp phần giáo dục nhân cách, điều chỉnh hành vi cá nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long thu hút gần 500 đại biểu Ảnh: HOÀNG DƯƠNG |
Không thể phủ nhận, số lượng du khách và doanh thu từ vé tham quan, dịch vụ tăng cao qua từng năm, đóng góp đáng kể vào tổng GDP của thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Năm 2019, vịnh Hạ Long đón 4,4 triệu khách trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế, thu từ vé đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh khai thác giá trị cảnh quan vịnh Hạ Long, các di tích văn hóa khác của thành phố chưa phát huy hiệu quả.
“Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng giá trị lịch sử của di tích, công tác tuyên truyền giáo dục, quảng bá về các di sản văn hóa chưa thường xuyên, chưa tạo sức hút đối với nhân dân và du khách đến tham quan. Công tác quản lý nhà nước đối với các di tích chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ làm công tác văn hóa còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ”, ông Vũ Quyết Tiến nêu.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, công tác quản lý di sản văn hóa của TP. Hạ Long còn gặp khó khăn trong đó có tác động của biến đổi khí hậu, tác động về áp lực phát triển và số lượng du khách ngày càng gia tăng, việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển…
Việc UNESCO phê duyệt mở rộng ranh giới, công nhận Di sản vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà mở ra cơ hội mới, tuy nhiên cũng đem lại thách thức mới cho Quảng Ninh và Hải Phòng - hai địa phương liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam cùng quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản kép.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị...
“Cần đầu tư bảo tồn các di tích trọng điểm phục vụ phát triển du lịch văn hóa ở Hạ Long, khu vực biển đảo, đô thị bên bờ, sinh thái nông - lâm nghiệp trên nền tảng di sản thế giới vịnh Hạ Long. Dựa trên nền tảng công nghệ số cần sáng tạo các loại hình dịch vụ văn hóa, sản phẩm du lịch nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Ninh nói chung và du lịch thành phố Hạ Long nói riêng”, PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản nêu.
Dịp này, một số chuyên gia đề xuất xây dựng phố đi bộ tại con đường bao quanh núi Bài Thơ, ứng dụng kỹ thuật 3D mapping ở khu vực chân núi Bài Thơ để giới thiệu các điểm di tích của cụm di tích núi Bài Thơ, những di sản văn hóa khác đặc trưng của Hạ Long và Quảng Ninh.