Nghề câu mực vươn khơi:
Hiểm nguy ngoài biển, gặp khó trong bờ
Bài 1: Rũ bùn đứng dậy
Tan tác vì bão biển và tư thương Trung Quốc ép giá, đội tàu câu mực đang dần hồi phục, quyết trở lại ngư trường Hoàng Sa. Nhưng…
Thời hoàng kim của đội tàu câu mực quận Thanh Khê (Đà Nẵng) là những năm 2007 trở về trước, lên đến gần 150 chiếc, đậu kín âu thuyền Thọ Quang. Nhưng giờ đây, số tàu này chỉ còn chưa đầy mười chiếc.
Tan tác...
Hai trùm câu mực Hoàng Sa của ngư dân Thanh Khê vang danh cách đây mấy năm là Đỗ Văn Xin và Phạm Văn Xinh giờ đây chỉ còn anh Xinh theo đuổi nghề câu, còn anh Xin đã bỏ biển ở nhà chăn gà cho vợ.
Đỗ Văn Xin là nhân vật Người đương thời của Truyền hình Việt Nam năm 2006 vì thành tích chỉ huy cứu người trong cơn bão Chanchu năm 2006. Giải nghệ sau hơn 30 năm lênh đênh trên biển Hoàng Sa nhưng trong thâm tâm anh Xin vẫn có điều gì đó thôi thúc anh một ngày nào đó sẽ quay lại nghề câu. Đoàn tàu câu mực thời đó thường được ngư dân trong nước gọi là đoàn siêu tàu vì chiếc nào cũng có mã lực trên 750CV, có chiếc trên 1.000 CV.
Ngư dân nước bạn như Nhật Bản, Trung Quốc... kính nể sự thông minh, kinh nghiệm và hiệu quả trong câu mực của đội tàu Thanh Khê. Thế nhưng, chỉ trong 5 ngày định mệnh, từ ngày 19 đến 23-4-2006, bão Chanchu quật ngang Hoàng Sa, quét sạch phân nửa đội tàu đang loay hoay trú tránh ở mạn đông.
Anh Xin bần thần: “Người chết nhiều lắm, đứa nào trước khi rơi xuống biển, cột xác vào can thì được đưa về, không kịp giờ vùi thây dưới biển”. Trưa 23-6-2006 tại cảng Đà Nẵng, hàng ngàn người dân chìm trong tang thương, còn những đầu lĩnh tàu câu mực ớn lạnh, nghĩ đến chuyện bán tàu giải nghệ. Sau đó, hàng trăm thuyền viên về quê. Khi bình tâm trở lại, số xin sang lưới vây, lưới cản, số ở nhà làm ruộng, vào Nam làm thuê, không ai trở lại tàu câu mực.
Câu mực khác với lưới cản, lưới vây ở chỗ nguy hiểm rình rập gấp nhiều lần. Ngoài việc phải ra xa hơn các đội tàu khác khoảng 100 hải lý, ngư dân câu mực phải chịu nguy hiểm một mình trên thuyền thúng vào ban đêm. Anh Xin còn giữ tấm ảnh thuyền viên Nguyễn Minh Thọ (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được Trung tâm cứu hộ biển quốc tế tại Hồng Kông cấp cứu bằng trực thăng ở vùng biển Hoàng Sa khi anh này bỗng dưng đau bụng vào năm 2005.
“Lần đó, sau khi được Bộ Ngoại giao mình thông báo, yêu cầu giúp đỡ, Trung tâm cứu hộ ở Hồng Kông lập tức điều trực thăng bay ra, họ xác định Thọ bị đau ruột thừa cấp tính, trễ chút nữa là có thể mất mạng. Nghề câu mực là vậy! Luôn ở xa đảo, xa bờ nhất, một mình đối chọi với hiểm nguy giữa trùng khơi”, anh Xin nói.
Tuy nhiên, cú đánh quyết định khiến đội tàu câu mực từ 150 chiếc còn 7 chiếc như ngày nay chính là giá mực rớt thê thảm. Theo anh Xin, một phần do thương lái Trung Quốc nâng giá mực, nhưng sau khi bà con mua tàu, ùn ùn kéo ra biển câu mực, thì lại bị ép giá thê thảm, phải bán đổ bán tháo để trả nợ ngân hàng. “Hồi đó họ mua mực 40 - 50 ngàn đồng/kg, sau đó rớt xuống 20 - 25 ngàn đồng/kg. Dân khóc như ri” - chị Hà, vợ anh Xin, kể.
Trở lại nghề
Tàu ĐNa 90189 của anh Phạm Văn Xinh là một trong 7 chiếc tàu câu mực còn lại của quận Thanh Khê. Sau bão Chanchu, dù rất muốn theo đuổi nghề câu mực, nhưng vắng bạn thuyền, anh đành chuyển sang lưới cản. Đầu năm 2011, anh Xinh bỏ gần 300 triệu đồng đầu tư, nâng cấp tàu, lắp giàn câu, quyết quay lại với nghề. Nghề câu mực bắt đầu hồi sinh và bạn thuyền khắp nơi có ý trở lại.
Anh Xinh nói: “Tui đã đóng mới tàu, chấp nhận vay tiền ngân hàng, thế chấp nhà cửa, quyết đánh cuộc với nghề câu mực một lần nữa xem sao. Nếu ông trời không phụ, chắc chắn thời hoàng kim của nghề câu mực sẽ trở lại”.
Trùm câu mực Đỗ Văn Xin (phải) chiều chiều nhớ biển . |
Chị Hà, vợ anh Xin, kể: “Mấy tháng qua, nhiều lao động ở Bình Minh (Thăng Bình - Quảng Nam) gọi điện đến nhà, hỏi còn tàu, có đi câu mực nữa không. Họ điện miết làm nhà tôi chộn rộn, sẵn nhớ biển trong người, anh ấy lúc nào cũng muốn đóng tàu, trở lại nghề”.
Nhưng anh Xin lắc đầu, bấm đốt ngón tay nhẩm tính rành rẽ như chưa hề có 2 năm ở nhà nuôi gà: "Tàu câu bây giờ đóng mới mất ít nhất trên 2 tỷ đồng, mua tàu cũ 1,2 tỷ đồng, nâng cấp công suất, làm lại máy, hết khoảng 300 triệu đồng. Cần ít nhất 10 ngàn lít dầu, 35 bình gas, 1,5 tấn gạo, 200 thùng mỳ tôm, rồi dầu, mắm, muối... tất cả cho 25 - 30 thuyền viên đi trong 3 tháng. Giờ muốn quay lại nghề, cần ít nhất 2 tỷ đồng. Đang tính làm đơn xin được hỗ trợ, vay không lãi hoặc lãi thấp mà thấy khó quá. Thôi đành chờ”.
7 tàu câu mực hiện có của Thanh Khê, gồm: ĐNa 90370, 90019, 90036, 90385, 90247, 90298, 90189 đang mong muốn quay lại thời hoàng kim của đoàn tàu câu mực. “Hồi đó, tàu nước ngoài phục sát đất tàu mình, cứ 17h chiều là thả thúng và 1 lao động, 5h sáng vớt thúng, chắc chắn có 20 - 30kg mực", anh Xin nói.
Anh Xin giải nghệ về nuôi gà giúp vợ . |
Ông Lương Hữu Trúc, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê, cho biết, hiện giá mực cao, từ 100 đến 150 ngàn đồng/kg nên nhiều ngư dân muốn trở lại nghề, nhưng khó nhất là vốn.
“Bà con chuyển sang lưới vây, lưới cản mất 400 - 600 triệu đồng, giờ muốn quay trở lại, phải bán rẻ lưới, rồi lắp giàn, nâng cấp tàu, tốn nhiều tiền hơn. Hiện ngân hàng không cho vay tín chấp mà phải thế chấp. Đa số ngư dân đã cầm nhà, tàu rồi nên đành chịu. Ngân sách không có, quận chỉ biết đề nghị thành phố nhưng chưa có cơ chế. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị về vấn đề này, để tái lập lấy đoàn tàu câu mực vang danh một thời” - ông Trúc nói.