Hiểm họa từ 'thần dược' uống vào khỏi cần ăn

Hiểm họa từ 'thần dược' uống vào khỏi cần ăn
Các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, bọc dưới lớp vỏ “kẹo ngọt”, “vitamin bổ dưỡng”… đang được rao bán tràn lan trên mạng. Nhiều bạn trẻ chạy theo trào lưu sử dụng các loại thực phẩm này mà không lường hết được tác hại của chúng.

Hiểm họa từ 'thần dược' uống vào khỏi cần ăn

> Đáng lo học sinh ‘phê’ thuốc
> 'Hô biến' nước giếng thành... tăng lực

Các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, bọc dưới lớp vỏ “kẹo ngọt”, “vitamin bổ dưỡng”… đang được rao bán tràn lan trên mạng. Nhiều bạn trẻ chạy theo trào lưu sử dụng các loại thực phẩm này mà không lường hết được tác hại của chúng.

Thuốc ho Recotus, loại thuốc chữa ho gây hưng phấn đã được các cơ quan chức năng cảnh báo có khả năng gây nghiện
Thuốc ho Recotus, loại thuốc chữa ho gây hưng phấn đã được các cơ quan chức năng cảnh báo có khả năng gây nghiện.

Uống vào là khỏi cần ăn

Các loại “kẹo thông minh”, “thần dược học bài” từng có giai đoạn gây sốt trên mạng. “Thần dược” ở đây là các viên thuốc đủ màu, đựng trong những hũ kẹo nhỏ, bắt mắt. Một hũ “thần dược” chỉ có giá chưa đến 100.000 đồng và có nhiều hương vị để lựa chọn như dâu, bạc hà, sôcôla… Các bạn đã thử qua loại kẹo này cho biết, khi ăn vào có cảm giác sảng khoái, tinh thần phấn chấn hơn hẳn. Chính vì vậy, thông tin về các loại kẹo này được giới trẻ truyền tai nhau rất nhanh trong mùa thi cử. Hoài An (trường ĐH Hutech) chia sẻ: “Mỗi khi buồn ngủ, chỉ cần nhai một viên kẹo là khỏe ngay lập tức. Học bài cũng rất nhanh thuộc và không thấy mệt mỏi”. Nhưng khi được hỏi về nguồn gốc sản xuất của các loại kẹo này, anh bạn lắc đầu, nói không biết gì về thành phần của sản phẩm và giải thích: “Mọi người dùng thì mình dùng theo, có sao đâu!”. Theo quan sát của phóng viên, bao bì của các loại “thần dược” này chỉ có hàng chữ Thái Lan chi chít, cũng chẳng có hạn sử dụng hay giấy chứng nhận y tế.

Sau một thời gian lắng xuống, gần đây “cơn sốt” này đang có dấu hiệu nóng bỏng trở lại. Các loại này không còn gọi là “thuốc” mà khoác lên những tên khác như “vitamin giảm cân”, “gói thực phẩm chức năng”… Việc đổi tên, đổi mục tiêu đã đánh trúng tâm lý giới trẻ và ăn theo trào lưu trên phim truyền hình và các chương trình thực tế đến từ Hàn Quốc. Trong các chương trình này, nhiều diễn viên thường thể hiện việc dùng các gói thực phẩm chức năng để giữ sức khỏe hay để trở nên tươi vui, linh hoạt hơn. Các hình ảnh đó được đầu nậu kinh doanh tận dụng triệt, tung ra những sản phẩm giống hệt vậy, cả về bao bì lẫn chức năng. Nghịch lý là một hộp 10 gói được quảng bá có tinh chất nhân sâm kết hợp nha đam nhưng giá chỉ vài chục ngàn đồng. Nhiều chủ bán hàng còn quảng cáo dùng thực phẩm chức năng để giảm cân, không cần ăn cơm, vì gói thực phẩm dạng này đã cung cấp “đủ dinh dưỡng” cho người dùng.

Minh Anh (trường ĐH Sài Gòn) cho biết: “Mình hơi mập, xem tivi, thấy các diễn viên dùng mà không cần ăn, vẫn khoẻ đẹp nên lên mạng tìm mua. Vào Google tìm thử, thấy ra hàng loạt nhãn hàng. Gói thuốc mình mua hiện nay có dạng chất lỏng sệt sệt, mùi thuốc Bắc, có thêm vài sợi thuốc lẫn trong đó nên mình rất an tâm sử dụng”. Một số bạn khác hiện cũng dùng “vitamin giảm cân” cho biết, loại “thực phẩm chức năng” này, mỗi khi đói ăn vào là cảm thấy “no” ngay. Một ngày dùng hai, ba viên là khỏi ăn gì. Nếu có điều đáng lo, thì với các bạn, đó là cảm giác phụ thuộc vào “thần dược”. Sau thời gian sử dụng, nếu không tiếp tục nạp vào mỗi ngày thì cảm thấy bứt rứt, khó chịu.

Len lỏi

Từ mạng xã hội, các loại “thần dược” đang len lỏi vào các trường đại học, cao đẳng. Mạnh nhất là là cuộc tấn công khách hàng nữ sinh viên của các loại thuốc kích trắng thời gian gần đây. Theo quảng cáo của các đầu mối bán hàng trên mạng, những loại “thực phẩm chức năng” này càng uống da càng mơn mởn, mịn màng. Chỉ vài tuần là đủ để da của người dùng trắng hẳn lên, hiệu quả còn hơn dùng kem tắm trắng. Không dừng ở đó, một số đầu mối còn quảng bá sẽ chiết khấu “hoa hồng” ở mức 40 – 60% để các bạn nữ sinh viên tham gia vào đường dây phân phối hàng.

Theo chân một chủ shop đi lấy hàng ở Chợ Lớn, chúng tôi biết được, phần lớn các loại “thần dược” này đều do các tư nhân tự sản xuất ở khu quận 5 và quận 6 (TP. HCM). Vì là “thực phẩm” nên phải bán và tiêu thụ ngay trong tuần. Một số nơi sản xuất “thần dược” theo cách thủ công, chủ yếu là nghiền thuốc có sẵn rồi pha thêm nước. Giá bán buôn của những nơi sản xuất “thực phẩm chức năng” này chỉ bằng 1/10 giá bán lẻ. Đây là lý do không chỉ được bán trôi nổi ngoài thị trường và trên mạng, các loại thực phẩm này đã vào các khu ký túc xá và nhà trọ, nơi có nhiều nữ sinh viên đánh liều sử dụng.

Tai họa

Cộng đồng mạng có nhiều bài viết cảnh báo về tác hại các loại “thần dược” không rõ xuất xứ và có chứa chất gây nghiện. Nhiều bạn sử dụng “kẹo thông minh” để tăng trí nhớ chia sẻ, khi dùng xong tâm trạng lúc nào cũng lâng lâng như ở trên mây. Thúy H. (trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết: “Nghe bạn bè rủ mua thuốc uống cho học bài mau nhớ, uống vô thấy người nóng ran và phê thiệt. Nhưng sau đó, không hiểu vì sao, mỗi lần lên lớp mình lại lừ đừ. Cuối cùng, sau một thời gian dài, mình đã phải nhập viện điều trị rối loạn thiểu năng tuần hoàn não”.

Đặc điểm nhận dạng của các loại dược phẩm không rõ nguốn gốc là mẫu mã rất bắt mắt. Hình thức bao bì đủ hình dạng, thay đổi thường xuyên, đi kèm các chức năng ngày càng “nâng cấp” để lấy lòng khách hàng. Các bạn đã sử dụng qua đều có chung nhận xét: Sản phẩm ban đầu rất hấp dẫn, gây hưng phấn nhưng tác hại thì phải khá lâu sau mới phát tác.

Bị đánh trúng tâm lý muốn ăn kẹo giảm cân, rất đông bạn gái đã trở thành “tín đồ” của loại thuốc lành ít hại nhiều. Đợt ngộ độc cách đây chưa lâu của Như Khanh (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) vẫn còn ám ảnh cô bạn: “Ăn kẹo hơn một tháng, mình giảm cân như ý. Nhưng một lần, đang học ở trường, mình bỗng thấy buồn nôn dữ dội. Khi đi ra nhà vệ sinh thì mình ngất xỉu giữa sân. Các bạn phải đưa mình đi cấp cứu. Bác sĩ nói do mình đã nạp vào người hóa chất có hại và ăn uống thiếu dinh dưỡng một thời gian dài”.

Gây nhiều tác hại nhất phải kể đến loại viên thuốc kích trắng da được bán tràn lan trên mạng. Sau thời kỳ da đẹp khiến khách hàng thích thú, da bắt đầu bị rạn, mẩn đỏ, ngứa ngáy và một thời gian nữa thì trở nên sần sùi như vỏ cam sành. Khi phản hồi với chủ shop, nạn nhân luôn chỉ nhận được những câu trả lời chung chung. Nếu làm dữ hơn, chủ shop đóng trang mạng, rũ bỏ trách nhiệm dễ dàng.

BS Trần Duy Tâm (Bệnh viện Tâm thần TP. HCM) cho biết: Mỗi loại thuốc, thực phẩm chức năng đều có hiệu quả trong điều trị và hỗ trợ bệnh, với điều kiện người sử dụng dùng đúng bệnh, đúng liều lượng và đúng cách. Hiện nay, rất đáng lo ngại khi trên thị trường có nhiều loại thuốc hỗ trợ thần kinh cao cấp được rao bán vô tội vạ như: Piracetam, Arcaliotin, Citicholin, Piracetam, Duxil…. Các loại thuốc này khi được rao bán trên mạng sẽ núp dưới vỏ bọc “thuốc tăng cường trí nhớ”, “thực phẩm chức năng”, “thần dược tăng cường trí nhớ”…

“Gần đây, chúng tôi tiếp nhận không ít ca bệnh là các bạn học sinh, sinh viên, nhập viện do sử dụng thuốc Recotus quá liều. Recotus có hoạt chất chính Dextromethorphan HBr, được xếp vào nhóm giảm đau, chống ho bằng cách ức chế hô hấp. Mặc dù các thành phần trong thuốc Recotus không gây ra tình trạng nghiện vật vã như ma túy nhưng chúng lại khiến người sử dụng nhiều bị lệ thuộc, tinh thần lơ mơ, giảm ý thức. Nếu dùng lâu dài sẽ gây nghiện và khi ngưng thuốc thì có cảm giác thèm được “phê” thuốc. Nếu dùng Recotus quá liều, nạn nhân có thể bị ngộ độc với các triệu chứng buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí tử vong. Vì vậy, khi sử dụng các loại thuốc bổ hay các loại thực phẩm chức năng, các bạn trẻ nhất thiết cần có sự tư vấn, chỉ định của các bác sĩ chuyên môn”, BS Tâm khuyến cáo.

Theo Mỹ Linh- Trúc Linh
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG