Buôn lậu mùa áp Tết: Đến hẹn lại lên (Bài 7)

'Hết thời' buôn lậu Móng Cái?

Sông Ka Long đìu hiu vào mùa giáp Tết Ảnh: Hoàng Dương
Sông Ka Long đìu hiu vào mùa giáp Tết Ảnh: Hoàng Dương
TP - Không chỉ liên tục cấm biên, phía Trung Quốc còn giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng xuất, nhập khẩu liên quan đến chất lượng, xuất xứ. Các ‘đầu nậu’ phải chia nhỏ hàng phân tán qua nhiều đường tiểu ngạch, nhưng chi phí vận chuyển gần bằng giá trị hàng. Vấn nạn buôn lậu ở Móng Cái (Quảng Ninh) đang dần rơi vào tình cảnh “hết thời”?

Bán đò, mua xe đi Lạng Sơn

Vài năm trước đây, Móng Cái được coi là ‘thủ phủ’ của buôn lậu vùng Đông Bắc. Tất cả mọi mặt hàng đều được tập trung về thành phố vùng biên này không thiếu một thứ gì. Hàng nhập, hàng xuất tấp nập qua lại. Bến sông Ka Long (sông biên giới) trên bến dưới thuyền nhộn nhịp suốt ngày đêm. Có thời điểm, số lượng cửu vạn ở thành phố này lên đến vài nghìn người.

Những vụ buôn lậu đình đám, trong đó có sự tiếp tay của lực lượng Biên Phòng, Hải Quan đã bị phanh phui. Những ông trùm buôn lậu lần lượt sa lưới. Những đàn em máu mặt cũng dạt xứ nhiều năm. Những cái tên như Phương Linh Hột, Dũng Mặt Sắt khét tiếng 1 thời cũng chỉ còn lại hư danh. Kẻ tù tội, kẻ tha phương cầu thực.

Quay trở lại Móng Cái vào những ngày cuối tháng 11, khác hẳn với những năm trước, vào thời gian này (dịp cuối năm từ tháng 11 đến tết âm lịch) dòng Ka Long đìu hiu không bóng người. Đường phố cũng không còn cảnh xe chở hàng chạy nháo nhác về kho tập kết. Các ngã tư không còn bóng ‘chim lợn’ báo đàm khi có người lạ ra vào ‘lãnh địa’.

Gọi điện cho một cai cửu từng quen ở bến Z1 trong lúc thâm nhập viết bài về buôn lậu ở Móng Cái vào những năm trước, tỏ ý muốn thuê xách 3 thùng hàng điện tử từ bên kia về trong đêm. Phía đầu dây bên kia giọng lè nhè: “Buôn bán gì giờ này, giải tán hết rồi. Muốn xách thì ra cửa khẩu mà thuê. Anh em tôi về quê cả rồi”.

Tiếp tục dò hỏi, chúng tôi tiếp cận được với T. người lái đò trước đây từng chở chúng tôi qua sông biên giới ở bến Lục Lầm. Với dáng vẻ hớt hải ngồi trên xe máy nói vợi vào quán cà phê: “Đợi anh đi rút tiền kẻo ngân hàng sắp đóng cửa”. Nói xong T. vù ga phóng đi.

Một chốc sau, T. quay lại với bộ dạng thất thểu, hỏi ra mới biết T. đã bán đò được 3 tháng nay. Tiền bán đò mang gửi ngân hàng và hôm nay ra rút để đi mua một chiếc xe tải nhỏ. “Vẫn chưa gom đủ tiền, xe người ta rao nhiều, người hỏi cũng lắm. Không khéo mai xoay được tiền thì nó lại bán mất rồi” - T. rầu rĩ nói.

“Móng Cái mấy năm nay chán lắm, bên Trung Quốc nó làm chặt không xuất được hàng, bên mình thì khỏi nói. Thò mặt ra là ăn đòn vì cả làng, cả tổng ai cũng biết mình làm nghề gì rồi. Mọi đường “lậu” đang đổ dồn lên Lạng Sơn, trên đấy đang nhộn nhịp lắm. Anh định mua con xe tải để lên đấy kiếm vài đồng tiêu tết chứ ở đây là móm” - T. chia sẻ về ý định của mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những điểm nóng buôn lậu ở Móng Cái đang dần bị ‘đóng băng’ vì sau một số vụ buôn lậu bị báo chí phanh phui, hàng loạt cán bộ Biên phòng bị kỷ luật, điều chuyển công tác. Đặc biệt, phía Trung Quốc cho dựng hàng rào sắt dọc biên giới sông Ka Long để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới.

Các mặt hàng gia dụng, điện tử và bánh kẹo không còn thịnh hành ở Móng Cái, thay vào đó là một số mặt hàng thủy, hải sản thỉnh thoảng vẫn được xuất qua các đường tiểu ngạch. Theo một số người dân, khu vực Tràng Lộ, phường Trà Cổ (TP Móng Cái), vẫn có phương tiện ra vào, xuất trái phép hàng hải sản, hàng đông lạnh nhưng thường hoạt động vào đêm tối nên rất khó phát hiện. Lực lượng chức năng cũng ra quân vây ráp địa điểm này.

Ngoài những mặt hàng khó xuất và ít có lãi, dân buôn lậu vẫn thường lợi dụng chính sách ưu đãi đối với cư dân biên giới để xuất trái phép thịt lợn sang Trung Quốc. Tình trạng này xuất hiện rải rác ở khu vực cửa khẩu Hoành Mô. Mỗi đêm đầu nậu vẫn lén lút xuất hàng tấn thịt lợn đã mổ, thậm chí có cả lợn sống sang Trung Quốc.

Trao đổi vấn đề này với ông Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban phòng chống buôn lậu (389) huyện Bình Liêu, Đỗ Xuân Trường cho biết: “Với đường biên giới khá dài lực lượng chức năng của huyện rất khó để có thể kiểm soát 24/24 tình trạng buôn lậu. Những đường tiểu ngạch do người dân tự mở đã được chúng tôi tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần. Các ‘đầu nậu’ vẫn cố tình lợi dụng đêm tối để xuất hàng hóa qua biên giới”.

“9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.372 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 26,37 tỷ đồng (tăng 110,2% về số vụ và giảm 34,23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018). Xử lý hình sự 40 vụ/54 đối tượng; xử lý hành chính 3.520 trường hợp”.

MỚI - NÓNG