BS CKII Trần Minh Khuyên tư vấn tâm lý cho một em học sinh. |
Từng có khoảng thời gian chị Nguyễn Thị Thu Giang (42 tuổi, ngụ quận 10) khủng hoảng vì con gái (lớp 10) vướng vào yêu đương mà cãi lại cha mẹ, đe dọa nếu gia đình cấm cản sẽ bỏ nhà đi, thậm chí tự tử. Những ngày đó, gia đình chị Giang lúc nào cũng âm ỉ như núi lửa, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào.
Thấy tình hình quá căng thẳng, chị Giang bàn với chồng thu xếp lại công việc, dành thời gian ở bên con nhiều hơn. Người mẹ này còn chủ động mời bạn trai của con đến nhà ăn cơm, những dịp gia đình sum họp, chị còn nhắc con nhớ mời bạn đến cùng chung vui… Dần dần, con chị Giang dần mở lòng, tâm sự nỗi niềm cùng mẹ. Từ chỗ cấm cản, vợ chồng chị Giang cởi mở hơn nhưng luôn nhắc nhở con gái phải biết giữ mình, không được đi quá giới hạn; chăm chỉ học hành để tốt nghiệp xong cấp 3 rồi tính tiếp.
“Dậy thì xong đương nhiên con sẽ có những rung động của tuổi mới lớn. Đó là chưa kể chuyện tiếp xúc với bạn khác giới hằng ngày cũng rất dễ khiến con nảy sinh tình cảm. Vì vậy, mình phải làm bạn với con, lắng nghe con theo kiểu “mềm nắn, rắn buông”. Hiện nay, con tôi và bạn trai đã chia tay, tuy nhiên bài học vừa qua đã giúp con thêm vững bước trong ngưỡng cửa đầu đời” - chị Giang bộc bạch.
Lắng nghe con chính là “chìa khóa” giúp anh Ngô Văn Hoài (ngụ quận 7) giúp con vượt qua những khó khăn trước ngưỡng cửa yêu. Anh Hoài tâm sự, khi biết con trai (lớp 11) yêu bạn gái cùng lớp đã 2 năm và nhiều lần đi chơi qua đêm cùng nhau. Anh Hoài rất lo sợ nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, tìm cơ hội thích hợp trò chuyện cùng con. Khi hai cha con cởi mở hơn, con trai anh tâm sự, cả hai chưa làm gì vượt quá giới hạn. Anh Hoài như trút được gánh nặng và tìm cách trở thành bạn cùng con nhiều hơn.
Theo anh Hoài, phụ huynh không nên dọa nạt, cấm đoán quá khắt khe vì trong độ tuổi tập làm người lớn, trẻ rất dễ có xu hướng phản kháng, “vượt rào” hay dẫn đến tuyệt vọng... Cha mẹ cũng không áp đặt ý chí của mình lên con trẻ, dùng những câu từ miệt thị, hay so sánh... sẽ đẩy con có khoảng cách lớn giữa con cái và bố mẹ. Mặt khác, cha mẹ cũng nên giáo dục con hiểu và nhận thức được việc yêu quá sớm có những tác hại gì cho bản thân như thế nào? Liệu con đã sẵn sàng gánh chịu hậu quả nếu yêu sai cách hay chưa?..
Trong các bệnh nhân đến khám tâm lý, BS CK2 Trần Minh Khuyên - Trưởng khoa Tâm thần kinh và Trị liệu tâm lý Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 TPHCM cho biết, có nhiều em còn ở lứa tuổi học sinh có ý định tự tử, cắt tay chân vì bị cấm yêu, bị nói xấu trên mạng do ghen tuông… Theo BS Khuyên, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ yêu sớm. Về mặt thể chất, các em được ăn uống đầy đủ nên cơ thể phát triển sớm, dậy thì sớm. Cùng với thể chất phát triển, tâm sinh lý của các em cũng phát triển theo. Về các tác động xã hội, vị bác sĩ cho biết trẻ em ngày nay được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, trong đó có các vấn đề về tình dục nên cũng có cái nhìn thoáng hơn thế hệ trước.
“Rất nhiều em gặp vấn đề về tâm lý khi gặp áp lực học hành, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, kể cả với bạn khác giới. Khi con gặp căng thẳng, phụ huynh nên hướng con tới hoạt động thể chất để giải phóng năng lượng. Còn gặp những biểu hiện trầm trọng hơn thì phải tìm đến các bác sĩ tâm lý để được thăm khám” - bác sĩ Khuyên nói.
Cần giáo dục giới tính sớm
“Theo quan niệm cũ, giáo dục giới tính sớm là cổ xúy cho học sinh yêu đương nhưng hiện nay đã khác. Giáo dục giới tính cần thực hiện sớm để học sinh đi đúng hướng. Do đó, các trường nên tổ chức nhiều buổi giáo dục giới tính ở không gian rộng (toàn khối, toàn trường) và không gian hẹp (từng lớp, từng nhóm học sinh). Phương pháp truyền đạt cũng cần gần gũi với lứa tuổi học sinh và nhắc lại thường kỳ” – thầy Khôi bày tỏ.
Không thể cấm đoán
“Học sinh yêu sớm là việc hết sức bình thường, không thể nào cấm đoán được, càng cấm càng nguy hiểm” là câu trả lời chung của nhiều chuyên gia khi bàn về vấn đề này.
Thầy Nguyễn Hoàng Minh Khôi, thành viên tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TPHCM) cho biết việc học sinh có tình cảm với nhau khi còn ngồi trên ghế nhà trường không phải hiếm. Trong quá trình chủ nhiệm, từng có phụ huynh tìm gặp trực tiếp thầy Khôi nhờ đổi bàn, tìm cách tách hai học sinh trong lớp đang thích nhau. “Có trường hợp các em thích bạn khóa dưới hoặc khác lớp, phụ huynh còn nhờ giáo viên tra thông tin học lực, hạnh kiểm để đối chứng với lời con nói. Không ít phụ huynh lúng túng, hoang mang khi biết con có người yêu” - thầy Khôi nói.
Theo thầy Khôi, cũng có các cặp đôi yêu nhau rồi giúp nhau tiến bộ trong học tập, nhưng con số này cực kỳ hiếm. Phần lớn các em sẽ sao nhãng học tập khi có người yêu. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến việc này. Bởi khi có người yêu, thời gian của các em sẽ bị phân bổ, dành thời gian nhắn tin, trò chuyện, giận hờn, dậy sớm đưa đón nhau đi học mà không có thời gian ngủ nghỉ, khiến nhiều em kiệt sức, khó tập trung.
Vị chuyên gia cho biết trong những lần được nghe học sinh chia sẻ, các em bày tỏ gặp nhiều rắc rối với người yêu như chia tay, cãi nhau, ghen tuông… và không đủ khả năng giải quyết vấn đề một mình. Nếu không được chia sẻ, các em sẽ dễ stress, buồn chán, học tập sa sút thậm chí có những hành động nghiêm trọng hơn.
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, phụ huynh nên theo sát quá trình phát triển tâm sinh lý của học sinh và không nên thờ ơ khi con có biểu hiện bất thường. Với học sinh cấp 2, các em đang ở khoảng giữa của người lớn và trẻ con, nên còn hạn chế về năng lực nhận thức. Khi thấy thích một bạn nào đó, nhiều em rất nhanh tiến đến yêu đương nhưng vì thiếu kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết vấn đề nên khi gặp rắc rối, các em sẽ dễ phản ứng theo cách tiêu cực như đánh ghen, bỏ học, tự tử… Do vậy, cha mẹ và giáo viên không nên ngăn cấm, buộc các em không được yêu. Không có ai định hướng, học sinh sẽ không biết cách bảo vệ bản thân dẫn đến quan hệ tình dục sớm, quan hệ không an toàn và đánh mất cả tương lai.