Hệ lụy nhãn tiền

Cầu Chôm Lôm bị thổi bay mố phía Nam do thủy điện xả lũ bất thình lình
Cầu Chôm Lôm bị thổi bay mố phía Nam do thủy điện xả lũ bất thình lình
TP - Theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII của Sở Công Thương cho thấy công tác tái định cư, ổn định sản xuất và đời sống của người dân vùng ảnh hưởng của các dự án thủy điện còn nhiều bất cập.

Đảo lộn cuộc sống người dân

Dự án thủy điện Bản Vẽ còn 3/43 tuyến đường giao thông nội đồng ở khu tái định cư huyện Thanh Chương chưa triển khai. Một số nhà do chủ đầu tư xây dựng cho bà con tái định cư tại huyện Tương Dương bị xuống cấp. Một số bản như bản Chon, bản  Khe Quỳnh, Cà Moong… đang gặp khó khăn về diện tích canh tác, đất lâm nghiệp. Tình trạng người dân bỏ khu tái định cư quay về lòng hồ đang diễn ra…

Bà Lô Thị Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cho biết: “Năm 2018, các nhà máy thủy điện đồng loạt xả lũ khiến một mố cầu Chôm Lôm bị cuốn trôi, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân bản địa”.

Tại dự án thủy điện Hủa Na, một số điểm tái định cư đã bị hư hỏng, chưa được sửa chữa. Chủ đầu tư chưa bố trí kinh phí cho Hội đồng bồi thường GPMB của huyện Quế Phong để cấp gạo bổ sung cho người dân điểm tái định cư Piêng Cu theo phương án đã được phê duyệt. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho 5 điểm tái định cư thuộc xã Thông Thụ chưa thực hiện xong. Công tác giao đất ruộng lúa cho một số hộ tại các điểm tái định cư Huôi Siu - Huôi Lạn, Khủn Na, Huôi Chà Là, Pù Sai Cáng còn chậm…

Thủy điện Mỹ Lý, thủy điện Nậm Mô 1 được nghiên cứu xây dựng trên thượng nguồn sông cả (thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn), người dân xã Mỹ Lý xin dừng để được yên ổn. Bà Kha Thị Bút, trú tại xã Mỹ Lý cho biết: “Từ lâu lắm rồi, chúng tôi thấy họ nói đến xây nhà máy ở đây và di dời dân đến chỗ khác. Nhưng 8 năm qua, có thấy xây đâu? Nhà cửa không dám sửa lại, mưa xuống ướt hết. Nhiều người bỏ bản đi rồi. Chúng tôi chỉ mong được sinh sống
yên ổn”.

Đèn dầu dưới chân thủy điện

Dù có hệ thống dự án thủy điện dày đặc nhưng theo thống kê từ Điện lực Nghệ An thì toàn tỉnh này còn 185 thôn bản chưa có điện, tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi nơi có nhiều nhà máy thủy điện lớn, nhỏ. Không chỉ thực trạng “bóng tối dưới chân đèn” mà vấn đề về điều tiết lũ cũng khiến người dân lo ngại. Năm 2018, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4, địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra mưa lớn, các nhà máy thủy điện đồng loạt mở cửa xả lũ. Lũ thượng nguồn kết hợp với thủy điện xả lũ cấp tập khiến nhiều huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong một lần tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri hai huyện Con Cuông, Tương Dương, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu- Giám đốc Công an Nghệ An phải than rằng: “Thủy điện là hướng đi đúng, nhưng quá nhiều thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy sau này. Hệ lụy thứ nhất là mất đất, mất rừng. Thứ 2 là lũ ống, lũ quét và thứ 3 là chi phí tái định cư cho người dân”. Trong nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu dừng tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ chưa triển khai.                                                       

MỚI - NÓNG