Thủ đoạn mới của các đối tượng trong đường dây này là chọn ma túy ketamine, một loại ma túy dạng lỏng. Đây là loại ma túy mà tội phạm ma túy ít khi vận chuyển do giá thành cao, mặt hàng khan hiếm. Theo một số nguồn tin, nếu 1kg ma túy thông thường có giá khoảng 200 triệu đồng, thì 1kg ketamine có giá trị lên đến gần 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các đối tượng trong đường dây này lại vận chuyển trái phép ma túy (ketamine) về Việt Nam để tuồn ra nước ngoài tiêu thụ gần nửa tấn - số lượng được cho là lớn nhất từ trước đến nay. Số ma túy này có giá trị ước tính gần 500 tỷ đồng.
Số ma túy (ketamine) và máy ép bao bì được 'ông trùm' ma túy xuyên quốc gia chuyển từ Quảng Ninh vào TPHCM rồi thuê nhà kho ở vùng ven huyện Bình Chánh để thực hiện công đoạn ngụy trang, chuẩn bị xuất hàng đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Vào tới TPHCM, các đối tượng đã ép ma túy (ketamine) thành từng bịch, cho vào túi nilon loại lớn (chừng 24kg/túi). Các máy ép bao bì sau đó được tháo rời ra rồi nhét các túi nilon chứa ma túy vào các thùng máy.
Xử lý xong công đoạn trên, đối tượng cầm đầu Liu Ming Yang chỉ đạo đàn em hàn gia cố lại các máy ép bao bì này. Đây là công đoạn cuối trước khi đưa số máy ép trà trộn trong các lô hàng xuất đi nước thứ 3 tiêu thụ.
Điều các đối tượng trong đường dây ma túy này không ngờ tới là mọi hoạt động, thủ đoạn của nhóm không thoát khỏi tầm ngắm của lực lượng trinh sát.
Giả xe giao hàng cho siêu thị
Quãng đường vận chuyển máy ép bao bì và 500kg ma túy của các đối tượng từ Quảng Ninh vào TPHCM dài gần 2.000km. Các đối tượng chủ chốt thường không ra mặt, trao đổi liên lạc với nhau bằng thiết bị hiện đại qua vệ tinh, internet.
Thiếu tướng Phạm Văn Các cho biết, qua trinh sát, tại mỗi đoạn đường các đối tượng liên tụcthay đổi xe giữa chừng, xe chuyên chở được giả thành xe chở hàng của các siêu thị.
“Đối tượng thường dừng các xe tải trước các siêu thị, để một nhóm khác đến nhận xe và di chuyển tiếp… Mỗi đối tượng phụ trách một công đoạn, không ai quen biết ai”, tướng Các cho biết.
Bằng cách thức vận chuyển táo bạo này, việc theo dõi đường đi của số ma túy này từ Bắc vào Nam vì thế gặp rất nhiều khó khăn, có lúc bị mất dấu. Bởi vậy, chuyên án được xác lập từ tháng 9/2018 đến nay mới đủ cơ sở để triệt phá.
Ông Huỳnh Nam - Đội trưởng Đội kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan TPHCM) cho biết thêm, các đối tượng liên lạc với nhau bằng qua các thiết bị vệ tinh hoặc một số thiết bị hiện đại khác. Thường xuyên thay đổi kho chứa ma túy khiến việc đeo bám theo dõi của lực lượng chức năng gặp khó khăn.
Ông Hùynh Nam - Đội trưởng Đội kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan TPHCM) cho biết thêm, thời gian qua cơ quan chức năng Việt Nam đồng loạt chặn bắt, triệt phá nhiều vụ vận chuyển ma túy giấu trong hàng hóa, thì hiện nay thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm ma túy là chuyển sang vận chuyển chất lỏng, giấu vào các loại máy móc để qua mặt cơ quan chức năng. Từ đó, số ma túy được xuất lậu đi qua nước thứ 3 theo ý đồ của các đối tượng.
Sau khi thời cơ đến, thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Bộ Công an đã quyết định phá án vào ngày 11/5. Cùng thời điểm này, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM đã chỉ đạo khẩn trương chia thành 5 tổ, chuẩn bị sẵn 3 phương án linh hoạt để phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ngăn chặn ngay.
Ngoài quân số của Cục Cảnh sát ma túy còn có hàng trăm cán bộ chiến sĩ thuộc Cục Hải quan TPHCM, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động), Công an các quận Bình Tân, Tân Phú; huyện Bình Chánh (Công an TPHCM) cùng Công an Bình Dương đồng loạt ra quận.
Lần lượt đối tượng cầm đầu Liu Ming Yang (34 tuổi) và 3 đàn em gồm Jhu Minh Jyun (32 tuổi), Nguyễn Thị Thu Vân (36 tuổi, cùng mang quốc tịch Đài Loan – Trung Quốc, bạn gái Jyun) và Tô Gia Mỹ (33 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) sa lưới.