Hé lộ hậu trường thương vụ Sacombank

Hé lộ hậu trường thương vụ Sacombank
Không loại trừ khả năng sẽ hợp nhất Eximbank - Sacombank. Khoảng năm 2015, Việt Nam sẽ có ngân hàng thương mại cổ phần với vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng.

Bổ nhiệm 3 ‘phó tướng’ trong 10 ngày

> Đại gia Trầm Bê và những điều chưa biết

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank
Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank.

Sau gần nửa năm thương vụ đầu tư vào Sacombank kết thúc, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank, đại diện cho nhóm cổ đông lớn tham gia vào Sacombank, đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị xung quanh hậu trường thương vụ đình đám này.

- Đầu năm, Eximbank bất ngờ thông báo mua lại 9,73% cổ phần của Sacombank từ Ngân hàng ANZ. Thương vụ chuyển nhượng này đã được bắt đầu như thế nào, thưa ông?

- Ngày 15-7-2011, tại Đà Lạt, Hội đồng quản trị Eximbank họp Hội nghị sơ kết đánh giá hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2011. Trong cuộc họp này, Hội đồng quản trị Eximbank đã thảo luận khả năng đầu tư tài chính vào Sacombank vì Ngân hàng ANZ, cổ đông chiến lược của Sacombank, khoảng một tháng trước đó đã chủ động liên hệ mời chúng tôi mua lại 9,73% cổ phần mà họ đang nắm giữ. Ngân hàng ANZ chào bán mức giá 1.6 (16.000 đồng/cổ phiếu), cao hơn thị giá cổ phiếu STB khi đó trên thị trường là khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu.

Trong cuộc họp, Hội đồng quản trị Eximbank phân tích, Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu; nếu mua, tại thời điểm đó giá cao hơn giá thị trường, nhưng 1-2 năm sau, khi thị trường chứng khoán phục hồi, chắc chắn Eximbank sẽ có lãi, thậm chí lãi lớn sau khi trừ các chi phí. Chưa kể đến việc trở thành cổ đông lớn của một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu như Sacombank, vị thế của Eximbank trên thị trường tài chính Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.

- Vậy bên bán có tiết lộ lý do họ muốn ra đi?

- Trong quá trình làm việc, chúng tôi có hỏi đại diện của Ngân hàng ANZ hai câu. Một là, lý do muốn thoái vốn tại Sacombank và hai là, tại sao họ chọn chúng tôi mà không bán lại cho các cổ đông sáng lập của Sacombank như Công ty Dragon Capital đã làm.

Với câu hỏi thứ nhất, họ từ chối tiết lộ thông tin. Với câu hỏi thứ hai, họ cho biết đã tìm hiểu kỹ Eximbank trước khi đặt vấn đề và nói rõ lý do chọn Eximbank vì họ muốn một đối tác có tầm và đủ tin cậy để thay thế họ tại Sacombank.

Cũng cần nói thêm là việc chào mời và thương lượng chuyển nhượng cổ phần tại Sacombank cho Eximbank hoàn toàn do đại diện có thẩm quyền của Ngân hàng ANZ tại Australia thực hiện, nhân sự của ANZ tại Việt Nam không tham gia vào quá trình đàm phán và chỉ được thông báo sau khi mọi việc đã ngã ngũ.

- Bản thân Eximbank là một ngân hàng lớn. Vì sao Ngân hàng lại tiếp tục đầu tư vào một ngân hàng khác, như Sacombank, thưa ông?

- Vài năm gần đây, Eximbank đã vươn lên trở thành một trong những ngân hàng có quy mô hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2011, Eximbank có vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 16.300 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 183.000 tỷ đồng. Bản thân Eximbank những năm trước đã tái cơ cấu lại danh mục đầu tư và nắm giữ khoảng 2.000 tỷ đồng tiền mặt phục vụ cho hoạt động đầu tư. Với năng lực tài chính đã được nâng cao trong vài năm trở lại đây, Hội đồng quản trị Eximbank nhận thấy cần đa dạng hóa, cơ cấu lại nguồn vốn, thay vì chỉ tập trung cho hoạt động tín dụng.

Trong định hướng đầu tư, chúng tôi rất quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng, vì đây là lĩnh vực Eximbank am hiểu nhất. Hội đồng quản trị Eximbank đánh giá Sacombank là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới bán lẻ rộng khắp, sản phẩm tài chính đa dạng, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nhân sự được đào tạo bài bản. Việc Ngân hàng ANZ muốn thoái vốn là cơ hội tốt để Eximbank đầu tư vào một lĩnh vực mà mình am hiểu, không nên bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

- Vậy tham gia đầu tư vào Sacombank, Eximbank chỉ thuần túy là đầu tư tài chính hay có mục đích gì khác, thưa ông?

- Lúc đó, chúng tôi đề ra hai phương án. Một là, chỉ thuần túy đầu tư tài chính, khi có lời là bán. Đây cũng chính là mục tiêu ban đầu của Eximbank khi đầu tư vào Sacombank. Chúng tôi sẽ thanh lý khoản đầu tư nếu đạt được lợi nhuận kỳ vọng.

Hai là, đầu tư chiến lược và không loại trừ khả năng sẽ hợp nhất hai ngân hàng khi hội đủ các điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Dự kiến theo kịch bản này thì đâu đó vào năm 2015, Việt Nam sẽ có một ngân hàng thương mại cổ phần với quy mô vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng, có khoảng 600 chi nhánh trải rộng khắp toàn quốc.

Để các ngân hàng Việt Nam hội nhập quốc tế, có thể cạnh tranh ngang tầm khu vực, tôi nghĩ thị trường tài chính nội địa rất cần những ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn như vậy. Nếu kịch bản này xảy ra thì điều đó cũng phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng hiện nay, theo hướng giảm số lượng để tăng cường sức mạnh tài chính của các ngân hàng.

- Xung quanh thương vụ Sacombank, thời gian vừa qua có nhiều tin đồn cho rằng, có sự tham gia của Ngân hàng Bản Việt và bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này. Với tư cách là “người trong cuộc”, ông có thể chia sẻ thông tin chính thức về vấn đề này?

- Vì Sacombank là một ngân hàng lớn vừa qua thay đổi cơ cấu cổ đông, nên tin đồn này có thể xuất phát từ suy luận, để thâu tóm được Sacombank phải là người rất có nhiều tiền, có khả năng che dấu được nguồn tiền và người chủ sở hữu thực sự của nó.

Có thể dễ dàng thấy rằng, những người phát tán tin đồn này thực sự không hiểu biết về tài chính. Một tỷ đồng tiền mặt đã rất lớn, nên không thể có chuyện hàng nghìn tỷ đồng được chuyển từ nơi này đến nơi khác mà không thể hiện trên giấy tờ sổ sách. Thử hỏi, nếu có, làm sao có thể để ngoài sổ sách kế toán, che mắt được các cổ đông!

Với sự hiểu biết khá kỹ về Sacombank, cá nhân tôi khẳng định rằng, cá nhân bà Nguyễn Thanh Phượng và Ngân hàng Bản Việt không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu STB nào, dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra điều này qua danh sách cổ đông của STB trên sàn chứng khoán.

- Vai trò của ông tại Sacombank hiện nay là gì?

- Eximbank hiện tại là cổ đông lớn tại Sacombank với tỷ lệ 9,73%. Với tư cách đại diện cho cổ đông lớn, tôi thường được mời dự các cuộc họp quan trọng tại Sacombank hoặc có liên quan tới Sacombank.

- Sacombank hoạt động như thế nào sau gần nửa năm nhóm cổ đông lớn vào tham gia điều hành, thưa ông?

- Những năm gần đây, Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, ngoài những ưu điểm Hội đồng quản trị Eximbank phân tích khi quyết định đầu tư vào Sacombank như tôi vừa nêu, thì hoạt động quản trị của Sacombank thực sự có vấn đề nên đã dẫn đến sự ra đi gần như đồng loạt của các cổ đông chiến lược gắn bó nhiều năm như Dragon Capital, REE, Ngân hàng ANZ…

Eximbank là một cổ đông lớn, đồng thời cũng đại diện cho nhiều cổ đông khác tham gia vào Sacombank từ cuối tháng 5 tới nay. Thời gian qua, chúng tôi đã minh bạch được hai việc lớn.

Thứ nhất, thuê công ty kiểm toán độc lập làm rõ lại tình hình tài chính của Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) từ năm 2009 tới nay. Thứ hai, nhóm cổ đông lớn làm rõ lại bức tranh tài chính của Sacombank thời gian trước đây và đặc biệt từ năm 2011 tới ngày 26/5 khi tổ chức đại hội cổ đông.

Giờ đây, chứng tôi đã có thể tự trả lời được câu hỏi thứ nhất với ANZ mà nửa năm trước đây họ từ chối trả lời. Dự kiến Sacombank đạt lợi nhuận gần với kế hoạch 3.400 tỷ đồng, do phải giải quyết một số vấn đề tài chính của Sacombank trước khi Eximbank và nhóm cổ đông lớn tham gia. Những thông tin này chúng tôi sẽ báo cáo cổ đông ở thời điểm thích hợp.

Liên quan đến vấn đề được dư luận quan tâm là nguồn tiền ở đâu để các cổ đông mới mua cổ phiếu và thay đổi chủ sở hữu tại Sacombank, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, chia sẻ: Đã có nhiều người hỏi tôi vấn đề này. Tôi cho rằng, không nên đặt vấn đề tiền ở đâu ra vì đương nhiên, tiền từ trong hệ thống ngân hàng. Cũng không nên đặt vấn đề với một tổ chức tín dụng là anh cho ai vay tiền, mà quan trọng là anh cho vay có đúng pháp luật hay không?

Mỗi ngân hàng có “room” 20% vốn điều lệ để cho vay kinh doanh đầu tư chứng khoán. Nếu người đi vay có phương án kinh doanh tốt, có tài sản đảm bảo thì không có lý do gì một tổ chức tín dụng lại từ chối thực hiện một nghiệp vụ đã được cấp phép. Với vốn điều lệ 12.355 tỷ đồng, “room” tín dụng cho chứng khoán của Eximbank tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng. Trong giới hạn này, Eximbank cho vay hàng nghìn cá nhân, vài trăm doanh nghiệp, họ kinh doanh, mua bán hàng trăm loại cổ phiếu.

Nếu hỏi Eximbank có cho cá nhân này, tổ chức kia vay để mua cổ phiếu Sacombank hay không thì tôi trả lời thẳng là có. Chúng tôi quan tâm đến tài sản đảm bảo, còn danh mục đầu tư chứng khoán nào thì khách hàng tự quyết định.

Eximbank cấp tín dụng khi người vay có tài sản đảm bảo cho vay theo đúng quy định của pháp luật. Một hành vi trong nền kinh tế được pháp luật mặc nhiên thừa nhận thì chỉ nên mổ xẻ nếu có gì không đúng trong quá trình thực hiện.

Theo ĐTCK

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG