Ở nông thôn, gặp nhau quên chào là bị trách, chào không vừa ý cũng bị trách; không thân với đồng môn là bị trách, mà thân thiết cũng bị trách “coi người dưng hơn họ hàng”.
Bây giờ, ở cơ quan nhà nước cũng hay có chuyện trách vặt. Có vị thủ trưởng cơ quan đã nghỉ hưu trách thủ trưởng kế nhiệm “không tôn trọng người đi trước”, còn thủ trưởng kế nhiệm thì trách thủ trưởng đã nghỉ hưu “hay xía vào việc nhân sự của cơ quan”.
Xảy ra việc tai tiếng, người đã nghỉ hưu trách người đương chức yếu kém, người đương chức trách người đã nghỉ hưu “để lại hậu quả”. Mỗi lần có khen thưởng hay trao tặng danh hiệu gì đó là rộ lên tiếng trách móc khắp những nơi liên quan.
Người không được khen tặng trách người có quyền xem xét việc khen tặng là “thiếu tầm nhìn”, người có quyền xem xét việc khen tặng trách người muốn được khen tặng là “thiếu tự biết”.
Đó là sự trách móc lẫn nhau, đều liên quan đến cái danh cái lợi ích kỷ, có khi chỉ là miếng ăn, miếng uống tầm thường. Còn có loại trách móc không biết để làm gì.
Chẳng hạn ở một cuộc họp không được giới thiệu trước, không được mời ngồi ghế trên, thế là trách móc. Nếu được giới thiệu trước, nếu được mời ngồi ghế trên thì danh hay lợi có thêm chút nào đâu, nói nôm na là có béo bổ hơn gì đâu? Nhưng người bị trách móc thì mệt mỏi vô cùng. Nó tựa như tiếng muỗi vo ve bên tai làm cuộc sống khó chịu, chứ không phải tiếng hổ thét báo gầm.
Nếu có dịp đi ra nước ngoài rộng lớn, giàu có, nhớ lại những lời trách móc vặt vãnh ở trong nước mới thấy tầm thường, vô vị làm sao!