1. AFF Cup 2016, đội tuyển Thái Lan một lần nữa cho thấy sự thống trị của mình ở khu vực Đông Nam Á. Không chỉ bởi việc đội bóng của HLV Kiatisuk bảo vệ thành công chức vô địch để vượt qua Singapore, trở thành nước giữ kỷ lục vô địch AFF Cup nhiều nhất, với 5 lần trong lịch sử giải đấu. Cái cách người Thái đoạt cúp khiến các quốc gia còn lại trong khu vực đều phải ngả mũ thừa nhận ngôi vị số 1 của họ.
Thái Lan là đội ghi nhiều bàn thắng nhất giải, với 15 lần phá lưới đối phương. Ngoài chức vô địch, họ còn “ẵm” tất cả các giải cá nhân. Tiền đạo Teerasil Dangda đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 6 bàn thắng. Đây là lần thứ 3 Teerasil Dangda nhận giải thưởng trên của AFF. Tiền vệ Chanathip Songkrasin, 23 tuổi, được trao giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”. Đây cũng là lần thứ 2 Chanathip đoạt danh hiệu này. Lần trước hồi năm 2014, khi “Messi Thái Lan” mới 21 tuổi. Theo thống kê, Chanathip đã tung ra tất cả 279 đường chuyền, kiến tạo 9 lần và 2 trong số đó thành bàn. Tiền vệ này tự mình ghi 1 bàn thắng.
2. Không chỉ Việt Nam mà trên thực tế, tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều phải thừa nhận ngôi vị số 1 của bóng đá Thái Lan. Ở góc độ riêng giữa Việt Nam và Thái Lan, trái với tâm thế coi Thái Lan là kình địch số 1, các con số thống kê cho thấy, chúng ta có lẽ chưa bao giờ là đối thủ đủ mạnh để khiến người Thái phải lo sợ. Cụ thể từ năm 1995 đến nay trong 20 lần đối đầu giữa đôi bên, Thái Lan thắng tới 14 trận, hoà 4 và chỉ thua vỏn vẹn 2 trận. Một trong số đó là trận thắng 3-0 của đội tuyển Việt Nam ở Tiger Cup 1998, giải đấu Việt Nam giành HCB.
Việc luôn coi Thái Lan là kình địch tạo ra một tâm thế hiện hữu, muốn thắng Thái Lan bằng mọi giá trong công chúng và ngay cả những người làm bóng đá. Điều này vô hình gây nên một áp lực lớn đối với HLV trưởng các ĐTQG, khi thất bại tại một giải đấu như AFF Cup hay SEA Games có thể bị sa thải. Áp lực càng lớn đối với LĐBĐVN (VFF), vốn đã nhiều phen tính tới việc gạt qua thành tích “ăn xổi” để tập trung cho khâu đào tạo trẻ, hướng tới thành tích lâu dài.
3. Thái Lan đã từng trải qua một giai đoạn khủng hoảng khi trắng tay ở mọi mặt trận, tính từ thất bại trước Việt Nam ở chung kết AFF Cup 2008. Để lấy lại ngôi vị thống trị Đông Nam Á như hiện nay, người Thái đã chấp nhận thua thiệt nhiều năm về sau trong các giải đấu ở khu vực, cả SEA Games và AFF Cup. Và nay, họ đang có một lực lượng cầu thủ trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết, đủ sức mạnh để thống trị khu vực. Trong khi bóng đá Việt Nam còn loay hoay với Chiến lược phát triển bóng đá có tầm nhìn đến 2030 thì người Thái đã hướng tới World Cup với những bước đi và thành tựu cụ thể. Khi người Việt đang sa vào những mâu thuẫn và sự chia rẽ vì một lứa cầu thủ trẻ, tài năng còn chờ kiểm chứng thì người Thái đã có những Chanathip Songkrasin, Sarach Yooyen…tài năng không cần bàn cãi.
Có lẽ đã đến lúc bóng đá Việt Nam cần đặt Thái Lan là đối thủ với một tâm thế khác để từ đó có định hướng phát triển hợp lý và hiệu quả hơn, đúng với thực trạng hiện nay. Đầu tư cho đào tạo trẻ đang là một hướng đi, nhưng liệu VFF và cả công chúng có dám kiên định con đường này, khi áp lực thành tích của chúng ta vẫn còn quá lớn?
______________________
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của độc giả