Hãy để những kỷ vật ấy 'kể chuyện'

Ông Bùi Đình Thu (mặc áo lính) giới thiệu các kỷ vật chiến tranh cho khách tham quan.
Ông Bùi Đình Thu (mặc áo lính) giới thiệu các kỷ vật chiến tranh cho khách tham quan.
TP - Những cựu chiến binh trong hai cuộc chiến, những thầy giáo, bạn trẻ sống thời bình đã sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, xây dựng thành bảo tàng, phòng truyền thống để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu hòa bình.

Gửi gắm mai sau

Gặp thương binh 4/4 Bùi Đình Thu, những người trẻ như chúng tôi rất thán phục trước tình cảm ông dành cho con cháu và thế hệ sau. Ông dày công sưu tầm kỷ vật chiến tranh suốt hơn 30 năm qua, lập nhà truyền thống ở xã Chí Tiên (Thanh Ba, Phú Thọ). Ông Thu nhấn mạnh: “Hãy để những kỷ vật ấy tự “nói” về những gì cha ông đã trải qua”. 

Cuộc sống gia đình chẳng khá giả nhưng từ năm 1996 đến nay vợ chồng ông Thu đã đặt chân đến nhiều vùng đất trên cả nước, sưu tầm hơn 2.000 hiện vật, kỷ vật với nhiều chủng loại, trưng bày ở nhà truyền thống. Trong đó, có nhiều kỷ vật có giá trị như đồ dùng cá nhân của các liệt sĩ, thư từ, nhật ký từ hậu phương gửi ra tiền tuyến và ngược lại. Trong số đó còn nhiều sách, tư liệu và báo cũ, được ông Thu trưng bày rất trang trọng. “Tôi phải truyền thông điệp cho thế hệ trẻ bằng những kỷ vật cụ thể”, ông Thu nói.

Chúng tôi hỏi ông Thu, rằng cuộc sống còn khó khăn, vết thương cũ thường tái phát, điều gì thôi thúc ông đi tìm kỷ vật? Ông Thu xúc động, xòe đôi bàn tay chai sần của mình: “Tôi may mắn trở về, tôi phải sống thay phần đồng đội đã mất. Đó là động lực lớn giúp tôi vượt qua trở ngại đời thường. Lính mà!”. 

“Hơn 10 năm qua tôi lặn lội khắp nơi sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Thế hệ trẻ chúng tôi đâu có thể hiểu được những đồ vật của người lính như thế nào. Khi tôi sưu tầm, tôi hiểu thêm rằng, mỗi món đồ có một câu chuyện, một số phận. Chúng tôi muốn biết rõ hơn về chiến tranh để yêu hòa bình”.  

Anh Nguyễn Văn Hè

Cũng trăn trở gửi gắm tình yêu nước cho thế hệ trẻ qua những kỷ vật chiến tranh, cựu chiến binh Lâm Văn Bảng xây dựng thành công “Bảo tàng Chiến sĩ bị địch bắt tù đày”, tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội). Đây được công nhận bảo tàng tư nhân sớm nhất trong cả nước. Gặp ông Bảng lúc ông đang dẫn đoàn học sinh tham quan bảo tàng, nhiều em nhỏ sợ hãi trước những hình thức tra tấn chiến sĩ ta trong chiến tranh. 

Năm 1968, ông Bảng bị địch bắt đày ra Phú Quốc và bị tra tấn dã man. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Bảng trở về quê hương làm trong ngành giao thông. Năm 1982, ông liên lạc với các đồng đội cũ để trình bày, mong họ chung sức đóng góp cho ý tưởng lưu giữ những kỷ vật của thời chiến. Các cựu chiến binh nhiệt liệt ủng hộ và hăng hái xắn tay vào việc. 

Ban đầu, ông Bảng chỉ muốn xây dựng phòng truyền thống riêng của gia đình. Năm 2006, nhu cầu tham quan của du khách tăng cao nên quyết định xin phép xây dựng bảo tàng tư nhân. Nhà có năm anh em trai, mảnh đất 1.600m2 do bố mẹ để lại, các anh nhường cả cho ông. Bảo tàng chia thành tám phòng, sắp xếp trình tự, khoa học với những hình ảnh sống động. 

Phòng đầu tiên trên tầng hai là phòng quan trọng nhất, lưu giữ những kỷ vật của Bác Hồ: Từ chiếc gậy Trường Sơn, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đôi dép cao su đến những bài thơ chúc Tết. Gian lớn nhất trưng bày những hiện vật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, có một lá cờ nhỏ. Khi dừng lại trước lá cờ này, ông Bảng lặng đi. Ông nói: “Đây là kỷ vật làm tôi bồi hồi nhất. Nó là của ông Nguyễn Văn Dư tặng tôi hơn 10 năm trước. 

Để cất giấu lá cờ này, người chiến sĩ phải băng bó nó vào những vết thương rỉ máu. Hoặc cuộn chặt bằng sợi chỉ, một đầu buộc vào răng, đầu kia là cờ, rồi nuốt vào bụng, sau đó lại kéo ra. Trong chiến đấu, lá cờ đỏ như một sự thôi thúc, một niềm tin tất thắng để tiến lên. Một người bạn của tôi từng cất giấu cờ, bị cai tù phát hiện, chúng đánh nát cả tay chân”.

Hãy để những kỷ vật ấy 'kể chuyện' ảnh 1 Thầy Điệp kể những câu chuyện chiến tranh gắn liền với kỷ vật cho học sinh.

Để yêu hòa bình

Miền đồng chiêm xã Hoàng Đông (Duy Tiên - Hà Nam) có thầy giáo Phạm Văn Điệp, 32 tuổi, 17 năm sưu tầm và đến nay có hơn 1.000 hiện vật. Niềm đam mê của anh được thôi thúc từ chính những bài học trong sách, những lời kể chuyện của các cựu chiến binh địa phương. Vừa dạy học, anh vừa lân la xin một số hiện vật trong địa bàn xã. 

Được các cựu chiến binh kể thêm về giá trị của mỗi kỷ vật, anh lại càng mê. Với niềm đam mê và cái duyên với kỷ vật, anh đã có cả một kho tàng quý giá. Nào là máy đánh chữ, xe đạp, ba lô, bi-đông, quần áo, lưỡi lê, súng đạn… Không ít món đồ anh sưu tầm được ở những nơi xa như Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Trị… 

Hãy để những kỷ vật ấy 'kể chuyện' ảnh 2 Bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh của thầy giáo trẻ Phạm Văn Điệp.

Anh Điệp chia sẻ: “Tìm được đã khó, sở hữu món đồ còn khó hơn. Có đợt, mình xuống huyện Lý Nhân hỏi hai bác cựu chiến binh mua một số món gồm bi-đông, dây súng, mũ, nhưng các bác ấy không bán. Mấy hôm sau nghe trên đài phát thanh huyện nói về việc sưu tầm của mình, các bác ấy lại mang đến tặng”. 

Hãy để những kỷ vật ấy 'kể chuyện' ảnh 3 Các em thiếu nhi thích thú tìm hiểu những kỷ vật chiến tranh.

Anh Nguyễn Văn Hè, sinh ra ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) cũng có đam mê sưu tầm kỷ vật. Thời niên thiếu, anh làm nghề nhặt phế liệu kiếm sống. Anh giữ được không ít hiện vật thời chiến. Đến khi học đại học, gặp một số người sưu tầm đồ cổ, họ khơi gợi ý cho anh, hướng tới giới thiệu cho mọi người hiểu thêm về những kỷ vật đó. Tốt nghiệp đại học, đi làm, anh tích cóp tiền và mở quán cà phê Hè giới thiệu những kỷ vật chiến tranh. 

MỚI - NÓNG