Haute Couture - những nếp gấp có hồn của vải vóc

Haute Couture - những nếp gấp có hồn của vải vóc
TP - Khi người đàn bà cười, xiêm áo của nàng cũng phải cười theo (Madeleine Vionnet).

Khó dịch chính xác thuật ngữ tiếng Pháp Haute Couture, y phục nữ cao cấp được thiết kế và cắt may riêng cho từng khách hàng. Vì vậy chỉ có thể dùng từ gốc này hay từ rút gọn của nó là couture để gọi những tuyệt phẩm dành cho phái đẹp, biểu tượng của sự giao hòa giữa tính cá biệt và tính phổ cập của thời trang.

Song Madeleine Vionnet, một trong những nghệ nhân may couture (couturier) nổi tiếng nhất thế giới, người đầu tiên sử dụng những nhát cắt xéo (bias cut) trên vải một cách uyển chuyển, để làm nên những bộ váy đầm mềm rũ và đẹp mê hồn, đã khẳng định cực đoan rằng thời trang, với tính cách tạm bợ và hời hợt của nó, không thể được dùng để chỉ những bộ haute couture đài các. Vì chúng trước hết mang vẻ đẹp vĩnh cửu của đàn bà.

Một ngày cuối năm 2011, tôi hối hả tới Viện Công nghệ Thời trang Hoa Kỳ (Fashion Institute of Technology - FIT)ở góc Đường 27 và Đại lộ số 7, New York, để xem một triển lãm đặc biệt - những bộ haute couture, cùng các phụ kiện thời trang nổi tiếng của Daphne Guiness, một phụ nữ được xếp vào loại sành điệu nhất thế giới hiện nay.

FIT chọn bộ sưu tập của Daphne Guiness có lẽ không phải vì bà có tới 2.500 món haute couture cùng khoảng 450 đôi giày bespoke (được đặt đóng), hay vì bà là bạn thân của Alexander McQueen. Nói như thiết kế sư Tom Ford, bà là một trong những, nếu không nói là chỉ một, phụ nữ đương thời, có phong cách nhất.

Các bộ couture của Daphne đứng trang trọng như những tác phẩm điêu khắc cổ điển. Giống như bức tượng Pietà (Thương khó) nổi tiếng của Michelangelo ở nhà thờ Thánh Peter. Những nếp gấp của chiếc áo choàng phủ lên thân Chúa, tuy được tạc bằng đá hoa cương nhưng dường như ướt sũng và tuôn chảy không ngừng theo những giọt nước mắt của Mary. Những nếp gấp ấy đã trở thành cảm hứng cho không ít nghệ nhân haute couture, từ thời ông tổ Charles Frederick Worth giữa thế kỷ 19, hay Madame Grès, nghệ sĩ điêu khắc trước khi cống hiến cho thế giới bộ áo đầm có những nếp li đơn giản và trang nhã.

Tác phẩm của Worth, và những couturier tầm cỡ khác như Coco Chanel, Christian Dior, Yves Saint Laurent hay Cristóbal Balenciaga- nhờ tài năng và tình cảm chăm chút đặc biệt của các couterier, mang phong cách của từng nữ khách hàng, cùng thần thái của các nàng.

Vào thời kỳ đầu, khách đặt may haute couture là nữ quí tộc châu Âu. Váy đầm dạ hội vào đời năm 16 tuổi, áo cưới vài năm sau đó, và tủ áo gồm những bộ đầm quí giá làm của hồi môn. Haute couture vì thế có hai đặc tính – đẳng cấp và riêng biệt. Chúng còn thể hiện mối giao tình sâu sắc giữa nghệ nhân và khách hàng.

Một trong những câu chuyện nổi tiếng, là tình bạn giữa chủ hãng thời trang, nam tước Hubert de Givenchy và nữ tài tử Audrey Hepburn. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh năm 1953, Hubert đã thiết kế hầu hết các bộ couture trên phim và ngoài đời của Audrey, trong phim Sabrina, Bữa sáng ở Tiffany, Kỳ nghỉ hè ở Roma hay dạ phục nhận giải Oscar của bà. Mối quan hệ ấy sâu sắc tới mức, khi Audrey giải nghệ và thôi không mặc những bộ couture nữa, Hubert cũng ngưng không làm couture.

Tính chất dành riêng, cao cấp cùng những quy định nghiêm ngặt khác đã làm cho những bộ haute couture trở nên vô cùng đắt giá. Theo qui định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp, một nhà mốt chỉ có thể làm haute couture nếu như họ có các nghệ nhân tiếp riêng từng khách hàng một, may đo và ướm thử trên mẫu và người thật ít nhất một lần. Phải có ít nhất 15 nghệ nhân làm việc toàn thời gian và phải có trên 20 thợ làm việc trong nhà mốt. Mỗi năm các nhà mốt này phải tung ra hai bộ sưu tập haute couture theo mùa. Vì các qui định nghiêm ngặt này, nhiều nhà mốt phải mở thêm dòng sản phẩm may sẵn để bù lỗ. Những người trung thành với haute couture như Vionnet, Madame Grès hay Balenciaga đều ngưng hoạt động khi haute couture thoái trào. Nếu có nhà nào mở lại, bán đồ may sẵn, thì cũng phải sau rất nhiều năm hay vì thay chủ.

Ngày nay haute couture không chỉ dành cho giới quí tộc châu Âu. Ngoài các nghệ sĩ nổi tiếng, còn có những người giàu có, trong đó có các công chúa Ả rập. Họ sẵn sàng bỏ ra núi tiền để may những bộ couture chỉ để mặc trong lớp áo choàng đen kín mít. Haute couture vẫn tồn tại và phát triển, một phần vì những nhà mốt hàng đầu như Chanel hay Dior dùng chúng vào mục đích quảng bá thương hiệu. Nhưng hơn hết, vì vẻ đẹp độc đáo của các bộ couture luôn có sức sống mãnh liệt trong làng thời trang quốc tế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG