Bắt sóng, xem bóng đá giữa Trường Sa
Biết tôi có may mắn được tham gia một vài đoàn công tác ra Trường Sa từ năm 2013 đến nay, nhiều người hỏi “Ngoài đó mạng khỏe không chú?”. Ít ai biết được rằng, đằng sau mỗi tin bài gửi về là cả một quá trình đầy cố gắng, kiên trì của phóng viên. Hồi năm 2013, khi tham gia Đoàn hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thăm Trường Sa, mỗi lần lên đảo, các phóng viên đều phải tác nghiệp nhanh nhất có thể để gửi bài về đất liền. Mỗi điểm đảo có một vài vị trí đón sóng, nếu không biết thì ngồi cả ngày cũng không gửi được sản phẩm về nhà. Dịp 2015, cũng theo hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thăm Trường Sa, nhưng tín hiệu mạng yếu quá, gửi không được, anh em phóng viên đành phải tập hợp nhau lại, ngày một hai lần gửi bài về thông qua hệ thống liên lạc trên tàu kết nối với vệ tinh Vinasat rồi sau đó, trong đất liền, một cán bộ Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn sẽ nhận bài, gửi về các cơ quan báo chí.
Đó là khi tham gia Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương của T.Ư Đoàn, còn nếu đi trong chuyến thăm, tặng quà tết cán bộ, quân, dân trên đảo Trường Sa mỗi dịp cuối năm, chuyện gửi bài vở về kiên nhẫn là yếu tố hàng đầu. Cuối năm biển động, tín hiệu mạng kém, chưa kể như đợt cuối năm 2018, cơn bão Tembin quét qua khiến nhiều cột sóng ở Trường Sa bị hư hỏng nặng. Anh em phóng viên đi cùng với đoàn hầu như “ngồi chơi, xơi nước”. Ai kiên trì, nhẫn nại thì leo lên boong tàu ngồi hứng sóng khi tàu neo gần đảo. Còn nhớ, để gửi bài báo cho số Tết 2018, phóng viên Tiền Phong phải ngồi nửa ngày trên đảo Phan Vinh B mà vẫn “xôi hỏng bỏng không”. Trước đó, trên đảo Phan Vinh, dù bài vở được chuẩn bị xong xuôi, nhưng phóng viên ngồi cả buổi sáng vẫn không thấy kết nối được mạng. Mãi đến khi lên tàu neo gần đảo Thuyền Chài, chờ 3 tiếng đồng hồ bài viết mới gửi được về đất liền.
Trong những gian khổ như vậy, nhưng cũng có những niềm vui. Chuyến tàu mang hàng Tết ra Trường Sa đầu năm 2018 trùng với thời điểm diễn ra Vòng Chung kết U23 Châu Á, nơi đội tuyển U23 Việt Nam lập nên kỳ tích vào tới trận chung kết. Thời điểm đó, tàu đang lênh đênh trên biển. Trên tàu, thường chỉ có một số kênh truyền hình như VTV1, QPVN... không có VTV6. Anh em phóng viên lên “thương thuyết” với lãnh đạo Đoàn và nhà tàu. Thời điểm diễn ra các trận đấu của U23 Việt Nam, tạm thời sẽ thay thế một kênh bằng VTV6. Dù chỉ nghe được đường tiếng, còn đường hình thì khoảng 5 - 7s mới chạy, nhưng anh em vẫn cập nhật được kết quả, chung niềm vui với khán giả ở đất liền.
Kinh nghiệm “nuôi cá”
Nhiều người hay hỏi “Ra Trường Sa chắc ăn hải sản nhiều lắm nhỉ?” Tôi thường trả lời không những được ăn hải sản, mà còn nuôi hải sản nữa. Giữa năm thì không nói làm gì, biển lặng như gương, ít khi gặp sóng gió.
Nhưng cuối năm, chuyện ngược sóng, gặp giông bão là chuyện bình thường. Nhiều khi, trong cả chuyến đi, có phóng viên chỉ nằm trong phòng, ăn lương khô trừ bữa. Nhiều người xuống phòng ăn, vừa đưa bát cơm lên miệng đã chạy ra ngoài “nuôi cá”. Những hôm gió to sóng lớn, dưới phòng ăn của tàu vắng ngắt, anh em cán bộ, chiến sĩ lại phải đi từng phòng, hỏi thăm tình hình sức khỏe từng người, đặc biệt là các chị em phụ nữ để mang cơm cháy, khoai lang luộc, hoa quả lên bồi dưỡng sức khỏe.
Nhớ lúc chúng tôi đến đảo Tốc Tan A hồi đầu năm 2018. Hôm đó trời mưa nặng hạt, biển trời vần vũ, sóng cấp 5 - 6. Lựa thời điểm thời tiết dễ chịu, trưởng đoàn công tác cùng một vài đồng chí trong đoàn hành trình vào đảo. Gọi điện xin phép trưởng đoàn theo cùng, chúng tôi được “đặc cách” theo vào nhưng đi cùng xuồng chở lợn. Chuyện ở ngoài Trường Sa, việc đi cùng lợn, chó trên một chiếc xuồng là bình thường. Nhiều khi cả người, cả thú cùng say như nhau. Giờ, đôi khi, ngồi ở Hà Nội, lướt facebook, thấy đồng nghiệp đăng ảnh tác nghiệp ở Trường Sa, lại cồn cào nỗi nhớ!
Ở đảo trường sa, quanh năm bốn bề là sóng nước, đi ra đi vào chạm mặt nhau, nhiều khi nhìn mãi cũng chán. Có chuyện, anh em có xích mích, mỗi người đi một hướng, lúc sau, lại chạm mặt nhau, thế là hòa giải...