Hậu trường sức mạnh quân sự Campuchia

Xe tăng Campuchia trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Militaryphotos.net
Xe tăng Campuchia trong một cuộc diễu binh. Ảnh: Militaryphotos.net
Sau nhiều năm, Trung Quốc dần thay Mỹ đóng vai trò hậu thuẫn chủ chốt cho chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Campuchia.

> Xe tăng của Campuchia có xuất xứ từ Ukraina
> Campuchia mua hàng trăm xe quân sự bọc thép

Gần đây, Campuchia không ngừng tập trung đầu tư vào quân sự, nhất là sau khi xảy ra những cuộc đụng độ biên giới với Thái Lan. Tháng 10.2012, Campuchia tiếp nhận 100 xe tăng và 40 xe bọc thép mua từ Ukraine, theo báo The Phnom Penh Post.

Đây được xem là đợt trang bị khí tài quân sự lớn nhất từ trước đến nay của Phnom Penh. Hơn 2 năm trước, nước này trang bị thêm 94 xe tăng dù đã được Trung Quốc đồng ý cho không 250 chiếc. Sắp tới, bắt đầu từ tháng 4, Phnom Penh sẽ lần lượt tiếp nhận 12 trực thăng quân sự Z-9 do Bắc Kinh cung cấp.

Số trực thăng này được Trung Quốc sản xuất theo công nghệ Pháp, sẽ thay thế loại Mi-8 và Mi-17 của Nga mà Campuchia sử dụng hơn chục năm qua. Đây cũng là lô hàng viện trợ của Trung Quốc giúp đồng minh tăng cường sức mạnh quân sự.

Phnom Penh không ngần ngại khẳng định việc Campuchia đang nỗ lực tăng cường quân sự. Không chỉ nâng cao năng lực quốc phòng, Campuchia còn tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.

Báo The Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, điều này là cần thiết để đáp ứng mục tiêu tăng cường năng lực quân sự, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong một buổi gặp gỡ hơn 1.000 người dân Campuchia hồi tháng 11.2012, Thủ tướng Hun Sen phát biểu: “Chúng ta tăng cường trang thiết bị nhằm tự vệ chứ không phải để xâm chiếm nước khác”.

Dự kiến ngân sách quốc phòng của Campuchia trong năm 2013 sẽ tăng 14% so với năm ngoái, tức khoảng 400,16 triệu USD. Trong khi đó, động thái này của Phnom Penh khiến Bangkok không khỏi lo ngại khi tranh chấp biên giới giữa hai bên xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear vẫn chưa có hồi kết.

Nhà tài trợ lớn nhất

Đến nay, việc Campuchia tăng cường vũ trang diễn ra một cách lặng lẽ và kín đáo, nên nhiều người không biết chính xác khả năng quân sự của nước này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thực lực quốc phòng của Campuchia có thể được đánh giá thông qua sự phát triển kinh tế và mối quan hệ giữa nước này với các cường quốc quân sự, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.

Sau khi chiến thắng Khmer Đỏ hồi năm 1979, quân đội hoàng gia Campuchia được thành lập. Lúc bấy giờ Phnom Penh xem mối quan hệ quân sự với Washington là ưu tiên hàng đầu. Mỹ hỗ trợ Campuchia xây dựng quân đội với những khoản viện trợ tài lực và khí tài. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1990, Phnom Penh chuyển mối quan hệ “hữu hảo” sang Bắc Kinh.

Trong cuốn sách bàn về quan hệ quân sự Washington - Phnom Penh, tiến sĩ Lewis M.Sterm, cựu chuyên gia quân sự của Cơ quan Tình báo Mỹ, đã giải thích nguyên nhân sự thay đổi trên. Theo đó, lúc bấy giờ, quốc hội Mỹ chỉ đồng ý viện trợ quân sự cho Campuchia nếu Phnom Penh đáp ứng một số yêu cầu “nhạy cảm” nên hai bên bất đồng.

Vì thế, quan hệ quân sự song phương tạm chấm dứt vào năm 1997 và chỉ được khôi phục từ năm 2004. Khoảng thời gian 7 năm này tạo cơ hội cho Trung Quốc dần trở thành nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Campuchia.

Từ cuối thập niên 1990 đến nay, Bắc Kinh liên tục viện trợ quốc phòng cho Phnom Penh. Hiện nay, phần lớn vũ khí mà Quân đội Hoàng gia Campuchia sử dụng đều đến từ Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh từng thừa nhận sức mạnh của quân đội nước này có được hiện nay là nhờ vào sự giúp đỡ của Bắc Kinh với giá trị lên đến hàng triệu USD mỗi năm.

Nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đến Campuchia hồi tháng 5.2012, Bắc Kinh cam kết khoản viện trợ quân sự trị giá 20 triệu USD cho Phnom Penh. Trước đó, vào tháng 8.2011 Bắc Kinh còn đồng ý cấp một gói viện trợ trị giá 195 triệu USD cho Phnom Penh. Số trực thăng mà Campuchia sắp nhận từ Trung Quốc thuộc gói viện trợ này.

Trong khi đó, Mỹ hiện tại chủ yếu viện trợ “phần mềm” cho quân đội Campuchia, ví dụ như những chương trình huấn luyện, trao đổi kinh nghiệm, hoạt động cứu trợ thiên tai… Ngoài ra, Úc và Pháp cùng một số nước khác cũng có những chương trình đào tạo, huấn luyện cho quân đội Campuchia trong những năm qua.

Theo Minh Quang
Thanhnien

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG