Hậu Giang triển lãm bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa

TPO - Sáng 31/8, tại Hậu Giang, Bộ TT&TT phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp báo triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

Ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Vụ trưởng Vụ thông tin cơ sở (Bộ TT&TT) cho biết, triển lãm là một hoạt động thông tin tuyên truyền quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
  

Triển lãm diễn ra tại Khu di tích Lịch sử Chiến thắng Chương thiện ở phường 5 (TP Vị Thanh) từ ngày 1/9 đến 5/9; trưng bày hàng trăm tư liệu, ấn phẩm, hiện vật và bản đồ thuộc 5 loại hình: Văn bản, bản đồ cổ, Atlas, xuất bản phẩm, công trình nghiên cứu liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa và các hiện vật liên quan đến sự kiện Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam. 

Hậu Giang triển lãm bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa ảnh 1 ĐVTN tham quan  Ảnh: Hòa hội

Trong đó, đáng chú ý là 4 tập bản đồ (atlas) do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908), Trung Quốc toàn đồ (xuất bản 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). 

Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra từ năm 1906, và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc.

Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ atlas. Cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa. 

Điều này chứng tỏ rằng cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản các atlas này vào các năm 1917, 1919, và năm 1933, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795 – 1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5), và Châu Úc (tập 6), xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827.

Đây là một tài liệu vô giá, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là mộ tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các tư liệu này đã được tập hợp và công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế. Các hình ảnh, tư liệu và hiện vật tại cuộc triển lãm là một phần bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, thể hiện các nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo này và nhiều vùng biển khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.


MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.