Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, thời gian tới, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, cận nghèo và phát sinh nghèo.
Địa phương đặt mục tiêu hết năm 2023 sẽ tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo. Hậu Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh bình quân từ 1%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm.
Nông dân huyện Vị Thủy chăm sóc lúa Hè Thu. Ảnh: Hồng Thái |
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững; tăng cường tuyên truyền các điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng. Địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững như: thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh và kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế chính sách của Trung ương.
Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện công tác giảm nghèo thông qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý. Đồng thời, Hậu Giang tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo; chỉ đạo các cơ quan và địa phương quan tâm, thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ và nhân dân về các văn bản quy định chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung, trong đó trọng tâm là chính sách tín dụng giảm nghèo để đảm bảo độ bao phủ, không bỏ sót chính sách và đối tượng thụ hưởng.
Tỉnh Hậu Giang kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo qua việc thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp; tăng cường phân cấp gắn liền với quyền hạn, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với từng đơn vị, địa phương trong công tác giảm nghèo.
Theo ông Võ Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang, tình hình phân bố, sử dụng vốn chương trình giảm nghèo từ ngân sách trung ương, vốn đối ứng ngân sách địa phương trong 7 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tỉnh thực hiện vốn năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 là 16.523 triệu đồng và vốn năm 2023 là 61.153 triệu đồng; giải ngân nguồn vốn năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 là 172 triệu đồng, nguồn vốn năm 2023 là 4.160 triệu đồng.
Tỉnh thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2021, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 14,9% năm 2016 xuống còn 3,46% năm 2020. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 9.736 hộ nghèo, chiếm 4,84% số hộ trên địa bàn và 7.426 hộ cận nghèo, chiếm 3,69%. Năm 2023, tỉnh được bố trí hơn 21 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương gần 19 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 2,7 tỷ đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp, triển khai các phong trào chăm lo cho người nghèo, toàn tỉnh đã xây dựng nhiều dự án hỗ trợ cho 587 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trên địa bàn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.
Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, các đơn vị chức năng trên địa bàn đã cung cấp tín dụng ưu đãi cho 17.100 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 202.378 người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn và người sinh sống ở khu vực đặc biệt khó khăn. Các địa phương tổ chức đào tạo nghề cho 2.780 lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.594 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 28.676 lượt hộ nghèo. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ cho 6.330 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19; tặng quà Tết cho 29.758 lượt hộ nghèo trên địa bàn.