Hậu COVID-19, doanh nghiệp bất động sản vẫn chi ngàn tỷ mở rộng quỹ đất

TPO - Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chi hàng ngàn tỷ đồng mở rộng quỹ đất, xác định hướng đi đường dài cho sau này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, nỗ lực tạo lập quỹ đất là điều cần thiết nhưng doanh nghiệp nên thận trọng để tránh rủi ro, từ đất rẻ trở thành siêu đắt.

Cuộc chơi ngàn tỷ

Cả năm 2019 và nửa đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp bất động sản ở TPHCM “trắng” nguồn thu nhưng vẫn “chơi lớn”, khi chi hàng ngàn tỷ đồng để mở rộng quỹ đất. Điển hình, Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) xác định, 2020 là một năm cực kỳ khó khăn nhưng mở rộng quỹ đất là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Hậu COVID-19, doanh nghiệp bất động sản vẫn chi ngàn tỷ mở rộng quỹ đất ảnh 1 Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) xác định, 2020 là một năm cực kỳ khó khăn nhưng mở rộng quỹ đất là một trong những mục tiêu hàng đầu.

Ngoài thị trường chủ lực là TPHCM với sản phẩm nhà thấp tầng, chung cư, các tổ hợp cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại, TDH tiếp tục tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án trong 10 năm tới, mở rộng hoạt động sang các tỉnh thành lân cận đang có tiềm lực phát triển như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Cụ thể, TDH sẽ dành 2.700 tỷ đồng đầu tư vào các dự án chủ lực ở TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương... Nhà Thủ Đức sẽ tiếp tục phát triển quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng những khu đất có quy mô vừa và nhỏ từ 1-10 ha ở các khu đô thị lớn để xây dựng nhà ở giá trung bình cho công nhân, người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nam Long cho biết, dù đang nắm tổng quỹ đất 681ha khắp các tỉnh thành, Nam Long vẫn dành 2.000 tỷ đồng mỗi năm để săn thêm đất.

“Doanh nghiệp tập trung mọi nguồn lực để mở rộng quỹ đất. Công ty tận dụng thời điểm và cơ hội để cân nhắc mua thêm đất sau COVID-19, khi nhiều đơn vị vướng pháp lý và áp lực tài chính buộc phải xả hàng để giải quyết khó khăn”, ông Quang nói.

Ông chủ Nam Long cho biết thêm, mục tiêu thu mua của doanh nghiệp này là quỹ đất phải có quy mô lớn và vị trí thuộc các tỉnh, thành phố vệ tinh hoặc tọa lạc tại cửa ngõ của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thậm chí vươn ra cả phía Bắc. Ưu tiên của Nam Long là các dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đóng tiền sử dụng đất, kết nối hạ tầng đồng bộ...

Một “ông lớn” của làng địa ốc TPHCM là Tập đoàn Novaland đang nắm tới 5.000ha đất, đủ sức phát triển ổn định trong 10-20 năm tới nhưng vẫn miệt mài đi gom quỹ đất mới. Novaland xác định M&A vẫn tiếp tục là con đường phát triển quỹ đất của Tập đoàn này trong năm 2020 và các năm tới.

Ngoài việc chú trọng lựa chọn M&A các dự án bất động sản có vị trí đắc địa, pháp lý chắc chắn tại khu vực trung tâm TPHCM, Novaland cũng tiếp tục đẩy mạnh xu hướng M&A dự án thiên về mô hình đô thị sinh thái thông minh ở các vị trí phát triển khu đô thị vệ tinh. Năm 2019, thông qua hoạt động M&A, Novaland đã gia tăng quỹ đất lên thêm 762ha.

Hậu COVID-19, doanh nghiệp bất động sản vẫn chi ngàn tỷ mở rộng quỹ đất ảnh 2 Tập đoàn Novaland đang có quỹ đất hơn 5.000ha nhưng vẫn miệt mài đi gom đất.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Bất động sản An Gia, tuy là cái tên non trẻ trong giới bất động sản Sài Gòn nhưng cũng mạnh tay chi tới 3.000-5.000 tỷ đồng để thu gom quỹ đất và triển khai dự án trong năm 2020.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng quản trị An Gia nói rằng, sau dịch COVID-19 là thời điểm “vàng” để mở rộng quỹ đất vì quá trình đàm phán giá suôn sẻ hơn. Ngoài 33ha quỹ đất tại TPHCM, An Gia sẽ phát triển hơn 46ha quỹ đất tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… để xây dựng những khu nhà ở liên kế khép kín, hướng tới trở thành nhà phát triển đô thị trong 5 năm tới.

Lo sợ chậm chân

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, dù thị trường sôi động hay trầm lắng thì hoạt động động mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn âm thầm diễn ra. Nhưng có sự khác biệt so với giai đoạn trước là hiện nay quỹ đất khu vực trung tâm TPHCM khan hiếm, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng săn quỹ đất ở vùng ven và các tỉnh lân cận.

Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.

Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản mua bán sáp nhập và săn quỹ đất khá nhộn nhịp. Tâm lý chung hiện nay là doanh nghiệp nào cũng tranh thủ thu mua vì lo chậm chân không còn đất giá tốt, mất vị trí đẹp. Tác động của COVID-19 khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn, tạo ra cơ hội cho các “ông lớn” có dòng tiền chớp thời cơ gom đất.

Hậu COVID-19, doanh nghiệp bất động sản vẫn chi ngàn tỷ mở rộng quỹ đất ảnh 3 Các doanh nghiệp mở rộng quỹ đất cần phải song hành với quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị với định hướng phát triển bền vững.

“Chuẩn bị quỹ đất là yếu tố đầu tiên, quan trọng và ngày càng khó do quỹ đất ngày một khan hiếm và giá cả đền bù tăng. Doanh nghiệp nào có quỹ đất tốt, doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh về sau”, ông Hoàng nói.

Đánh giá về xu hướng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, tạo lập quỹ đất là việc mà doanh nghiệp có định hướng chiến lược lâu dài đều đặt ra và thường xuyên triển khai. Tuy nhiên, hiện nay dù có nhiều dự án ở TPHCM hay các tỉnh được chào giá tốt nhưng doanh nghiệp muốn đầu tư phải xem xét khu vực đó có phù hợp quy hoạch hay không, pháp lý của dự án như thế nào.

“Nỗ lực tạo lập quỹ đất là điều cần thiết nhưng doanh nghiệp nên thận trọng để tránh rủi ro, từ đất rẻ trở thành siêu đắt. Quỹ đất lớn là một lợi thế vượt nhưng nếu không khai thác được để ra thành phẩm bán hàng, lợi thế này sẽ biến thành gánh nặng do chôn vốn. Điều này đòi hỏi kế hoạch phát triển quỹ đất phải song hành với quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị với định hướng phát triển bền vững nhằm tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư”, ông Châu nói.
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.