Dựa trên những dấu hiệu miêu tả trong thư thì nhiều khả năng anh bị viêm mũi dị ứng. Nguyên nhân là do người bệnh dị ứng với các dị nguyên như bụi nhà, phấn hoa… Vì vậy việc điều trị thường là giảm các biểu hiện của viêm mũi và bác sĩ sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể mà đưa ra lựa chọn hoặc phối hợp một lúc nhiều phương pháp như điều trị nguyên nhân: Tránh tiếp xúc với các dị nguyên; Liệu pháp giải mẫn cảm: Là phương pháp làm cho cơ thể không còn bị kích ứng với các dị nguyên đó; Điều trị triệu chứng: Dùng thuốc tại chỗ và toàn thân để hạn chế các triệu chứng ngạt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi; Hạn chế các yếu tố thuận lợi: Điều trị các viêm nhiễm xung quanh viêm, phẫu thuật gai vách ngăn, mào vách ngăn…
Để phòng bệnh viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà. Vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm nhằm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mạt). Vệ sinh nhà ở thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt. Vệ sinh răng miệng hàng ngày, đặc biệt, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy là điều hết sức cần thiết để loại bỏ bớt các vi sinh vật gây bệnh. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường. Mùa lạnh, mỗi lúc ra khỏi nhà cần giữ ấm cơ thể như mặc đủ ấm, cổ cần được quàng khăn ấm, đeo khẩu trang để tránh gió lạnh tác động vào niêm mạc mũi.
Khi nghi ngờ bị viêm mũi dị ứng cần đi khám khám bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để điều trị bệnh triệt để.
Theo BS Vũ Ngọc Liêm