Hấp dẫn màn sử thi về vua Quang Trung trong ngày khai hội Gò Đống Đa
TPO - Lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2024) được tổ chức trong ba ngày, từ Mùng 5 tháng Giêng đến ngày Mùng 7 tháng Giêng. Màn trống hội, sử thi về vua Quang Trung tại sáng khai hội Mùng 5 được du khách đón nhận nồng nhiệt.
Lễ hội kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2024) được tổ chức trong ba ngày, từ Mùng 5 đến Mùng 7 tháng Giêng. Lễ hội tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh, nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân đương thời, anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Trong ngày khai hội Mùng 5 Tết, các hoạt động được chuẩn bị từ sớm. Phần lễ diễn ra từ 6h sáng.
Những nghi thức thiêng liêng theo phong tục lâu đời không thể thiếu ở lễ hội gò Đống Đa là lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương, lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung...
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm tại tượng đài.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định đọc diễn văn kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ông Lê Tuấn Định nhấn mạnh chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh, dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là minh chứng lịch sử khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nhân dân ta.
Chiến thắng này hội tụ, kết tinh sâu sắc của truyền thống yêu nước, yêu độc lập - tự do. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta đã đập tan giấc mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.
Màn trống hội tưng bừng do Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn thu hút sự chú ý của du khách thập phương.
Màn sử thi tái hiện lễ đăng quang, quá trình tiến quân thần tốc ra Bắc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
Lễ hội gò Đống Đa năm nay được chuẩn bị chu đáo, diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính. Địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự.
Trong ngày khai hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian thu hút sự quan tâm của người dân. Những ngày tiếp theo, tại khu vực Công viên Văn hóa Đống Đa tiếp tục diễn ra màn thi đấu cờ người, cờ tướng, chương trình biểu diễn các trích đoạn tuồng, hoạt động tế lễ và các tiết mục múa dân gian của các đoàn tế lễ... Chương trình múa rối nước, hát quan họ, chầu văn, văn nghệ quần chúng cũng được chuẩn bị.
Người dân chen chân xem màn trống hội và sử thi về vua Quang Trung. Nhiều người diện áo dài, dẫn theo trẻ em tới tham dự lễ hội.
Từ 9h sáng Mùng 5 Tết, người dân kéo đến khu vực tổ chức lễ hội ngày một đông.
Ông Vũ Viết Cảnh (70 tuổi) - thành viên đoàn tế lễ, dâng hương - cho biết ông tự hào và xúc động khi có mặt trong dịp lễ quan trọng để đền ơn trả nghĩa các anh hùng dân tộc. "Lễ hội này cần được gìn giữ đúng với ý nghĩa và truyền lại cho con cháu muôn đời sau", ông Cảnh nói. Ông cho biết thành viên đoàn tế lễ gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ đến già. Một số người tham gia nghi thức dâng hương ở lễ hội gò Đống Đa suốt hơn chục năm qua.