Ngọ Môn trong Đêm Hoàng cung |
Cho dù giá khá cao: 350.000 đồng với khách Việt Nam, 35 - 40 USD với khách nước ngoài - có dự Yến tiệc cung đình - nhưng vé vào Đại nội xem Đêm Hoàng cung đầu tiên đã bán hết từ trước đó một tuần.
Đêm Hoàng cung thứ 2 cũng hết vé ngay sau ngày khai mạc. Ban tổ chức đã lựa chọn một số nội dung có tính khả thi để tái hiện một đêm hội mang tính huyền thoại của cung đình xưa.
Đó là không gian Hoàng cung với quan binh, cung nữ, thái giám, thị nữ, voi, ngựa, võng lọng, ánh sáng đèn lồng… làm cho Đại nội về đêm lung linh, huyền ảo và lộng lẫy hơn.
Thổi hồn cho Hoàng cung là các sân khấu nghệ thuật cung đình; các trò chơi quý phái trong chốn thâm cung và của giới quý tộc; tái hiện một số sinh hoạt cung đình xưa qua yến tiệc cung đình, trưng bày cổ vật, triển lãm ảnh, chiếu phim tư liệu Huế xưa…
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao lâu nay Huế không tổ chức Đêm Hoàng cung hàng tháng như Đêm phố cổ ở Hội An? Festival 2002 Huế tổ chức Phố đêm Gia Hội nhưng không thành công, chỉ để lại một phố ẩm thực bình dân, nhếch nhác ở đường Bạch Đằng, góp phần làm cho dòng sông đào Đông Ba ô nhiễm trầm trọng hơn.
Phố cổ, phố đêm Huế không thể hấp dẫn như ở Hội An. Nhưng Đêm Hoàng cung thì của riêng Huế. Phát huy thành quả của Festival Huế 2006, Huế nên tổ chức Đêm Hoàng cung định kỳ mỗi tháng. Nếu thu hút được nhiều khách tiến tới tổ chức mỗi tháng 2 đêm, thậm chí mỗi tuần 1 đêm vào tối thứ 7, hoặc tối Chủ nhật.
Vấn đề đặt ra không còn là ý tưởng mà đã có tính khả thi cao. Đã có không gian, đã có kinh nghiệm và có đủ lực lượng diễn viên.
Đêm Hoàng cung nếu tổ chức thường xuyên sẽ không cần tổ chức những sân khấu lớn, múa hát rộn ràng như các chương trình ở sân Đại triều trong các kỳ Festival.
Hát múa chỉ nên tổ chức ở Duyệt Thị Đường, cung Diên Thọ và sân khấu vừa phải ở điện Kiến Trung, hoặc sân điện Cần Chánh. Và cũng chỉ có các loại hình ca múa nhạc cung đình, ca Huế, tuồng Huế. Tam cung lục viện tổ chức trong nhà chứ không phải ngoài trời.
Cuộc sống của các bà Hoàng hậu, cung phi, mỹ nữ thì tập trung ở khu vực Cung Diên Thọ. Phục hồi thêm Khương Ninh Các, Phước Thọ Am để các bà tụng kinh, gõ mõ.
Phục dựng cảnh vua ngự thiện, vua đọc sách ở Thái Bình Lâu. Phục dựng một lớp dạy lễ nghi, phép ứng xử cho các cung nữ mới vào cung...
Các “sân khấu” của Đêm Hoàng cung là sân khấu cố định, đầu tư một lần sử dụng nhiều lần để tránh lãng phí về kinh phí. Nếu như có sân khấu ở điện Kiến Trung thì các trò chơi tổ chức ở sân điện Thái Hoà, sân Thế Miếu thay vì tổ chức ở 2 nhà bát giác.
Hệ thống Trường lang, hậu điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các là nơi triển lãm tranh - ảnh nghệ thuật có đề tài thích hợp, triển lãm thư pháp, trưng bày đồ gốm phục chế.
Nên triển khai thêm khu vực chụp ảnh, quay camera các dịch vụ cung đình dành cho du khách như chụp ảnh lưu niệm với nhà vua, với hoàng hậu, hoàng tử, công chúa…
Dịch vụ cưỡi voi dạo Hoàng thành đã có sẵn; nên triển khai thêm dịch vụ cưỡi ngựa thưởng hoa trong vườn thượng uyển. Xe ngựa đi đi lại lại trong Hoàng thành cũng nên tổ chức bán vé cho du khách có nhu cầu để lấy thu bù chi.
Yến tiệc cung đình nếu có được khoảng 100 khách trở lên đã đăng ký trước thì tổ chức. Nếu không đủ khách thì khuyến mãi mặt bằng cho các nhà hàng, khách sạn, các cơ quan tổ chức tiệc chiêu đãi nếu diễn ra đúng ngày có Đêm Hoàng cung; chỉ cần thu thêm chi phí điện nước và công tác bảo vệ cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Nếu tổ chức mỗi tháng một Đêm Hoàng cung thì nên chọn đêm 15 âm lịch là tốt nhất. Vừa có trăng sáng, vừa để du khách đi tour “Con đường di sản miền Trung” có thể vừa dự Đêm phố cổ Hội An (đêm 14 âm lịch) vừa dự được Đêm Hoàng cung của Huế.