“Nông dân kiện Bộ Y tế, còn chúng tôi chưa có ý định kiện. Chúng tôi phải tham vấn ý kiến cổ đông, nhưng cũng không loại trừ khả năng này nếu chúng tôi bị dồn vào đường cùng”, ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hanoimilk, nói.
“Chúng tôi đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là yêu cầu các bộ, đứng đầu là Bộ Y tế, xem xét hỗ trợ doanh nghiệp. Cho đến giờ, chúng tôi chưa nhận được hỗ trợ gì từ Bộ Y tế".
Công ty Tam Lộc là công ty sữa Trung Quốc, trung tâm bê bối của vụ sữa nhiễm melamine, công bố phá sản cuối năm 2008. Hai lô sữa nhập bị niêm phong của Hanoimilk nhập từ hai công ty Trung Quốc không nằm trong danh sách công ty sữa có sản phẩm nhiễm melamine, nên không thể trả lại cho nhà cung cấp.
“Giá như chúng tôi mua sữa của Công ty Tam Lộc, chúng tôi trả lại ngay”, lãnh đạo Hanoimilk cho biết. “Chúng tôi không sử dụng sữa Trung Quốc trong sản xuất. Kinh doanh khó khăn, chúng tôi phải buôn sữa. Sữa Trung Quốc là sữa béo, chứa 25 phần trăm bơ, không thể đưa vào sản xuất sữa cho trẻ em”.
Từ đây, nảy sinh vấn đề Hanoimilk cho rằng Bộ Y tế kiểm nghiệm thiếu chính xác. Trong công văn gửi các báo, Phó Tổng Giám đốc Hanoimilk Đặng Anh Tuấn cho biết, mẫu sản phẩm gửi đi kiểm nghiệm melamine, doanh nghiệp phải tự lấy mẫu tự gửi, còn Đoàn Thanh tra liên ngành Bộ Y tế chỉ lấy mẫu nguyên liệu mà không lấy mẫu sản phẩm.
Sau, chính mẫu sản phẩm Bộ Y tế công bố nhiễm melamine, doanh nghiệp mời Thanh tra Bộ Y tế đến lấy mẫu và xét nghiệm tại cơ quan khác, kết quả ngược lại.
Bà Vũ Thị Thủy, Thanh tra viên Bộ Y tế đi cùng bà Ngọc trao quyết định gỡ niêm phong 180 tấn sữa, khẳng định: “Mẫu sữa trước đó của Hanoimilk có nhiễm melamine. Khi mức giới hạn melamine được đưa ra, mức nhiễm melamine đã kiểm nghiệm của doanh nghiệp ở mức cho phép, chứ không phải mẫu của Hanoimilk không nhiễm melamine. Sản phẩm không nhiễm melamine của Hanoimilk là sản phẩm xét nghiệm sau, không phải sản phẩm trước đó”.