Hành trình tìm lại vật chứng vụ chạy thận 8 người chết

TP - Ở một nhà kho nằm sâu trong vùng núi heo hút huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chứa những đoạn ống nước, hai bồn inox to cùng những chiếc bình kim loại được tháo rời và hàng trăm thứ phụ kiện khác. Chúng nằm im lìm ở đó dễ chừng cả năm, phủ bụi, không người trông coi.
 
Hành trình tìm lại vật chứng vụ chạy thận 8 người chết ảnh 1

 Số hiệu của hệ thống RO trùng khớp với số hiệu hệ thống lọc thận tại BV đa khoa Hòa Bình

Một ngày đầu tháng 7 những phụ kiện này được đưa lên 2 chiếc xe ô tô tải chở thẳng về Hà Nội. Câu chuyện tìm vật chứng trong vụ án làm 8 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình với những tình tiết trùng hợp li kì, không khỏi khiến người nghe ngạc nhiên.

Sáng 5/8, khi TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị y tế và Công trình y tế kéo cánh cửa sắt nằm ngay tầng 1 của Viện, toàn bộ hệ thống chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, những vật chứng trong vụ án khiến 8 bệnh nhân tử vong hiện ra. Hệ thống đã được phục dựng, lắp ghép lại từ những thứ bị bỏ quên trong nhà kho trên núi sau 1 cuộc điện thoại của hai người đàn ông.

Ông Hải không giấu được niềm vui khi tìm được những thứ ngỡ như đồ bỏ đi này: “Đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao tôi có thể thu gom được hai hệ thống này. Đúng là hệ thống chạy thận nhân tạo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tôi đặt vấn đề với 1 anh bạn là chuyên gia xử lý hệ thống nước rằng tôi cần 1 hệ thống cũ để phục dựng lại hiện trường nhằm tổ chức các thực nghiệm khoa học. Anh ấy nhận lời. Đến chiều cùng ngày anh ấy gọi lại cho tôi nói là có thứ tôi cần”.

Kỹ sư Nguyễn Hồng Quân, chia sẻ: “Tôi được công ty giao phụ trách chuyên môn ở tỉnh Hòa Bình, nên hay đi lại trên đó để làm việc. Trước khi nhận được điện thoại của anh Hải nhờ tìm mua hệ thống nước cũ, tôi nhận được lời mời từ khách hàng yêu cầu lắp đặt lại cho họ một bộ máy để lọc nước sạch bán cho dân bản. Theo lời người khách tôi đến huyện Lương Sơn, vùng giáp Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Đó là người đàn ông người dân tộc, nói tiếng Kinh không sõi lắm và khá kiệm lời. Trước mắt tôi là đống đồng nát thì đúng hơn. Tất cả bỏ xó, phủ bụi, rời rạc và thật khó hình dung trước đây nó là gì. Nhưng tôi nhận lời lắp đặt lại”. Người chủ của đống đồng nát không hé lộ mua chúng từ ai, chỉ chia sẻ: “Nó rất rẻ nên tôi mua vì được giá”. Quay trở lại Hà Nội, kỹ sư Quân nhận được điện thoại của TS. Hải nhờ tìm mua hệ thống lọc nước cũ. Lập tức anh Quân nghĩ đến nhà kho nơi vùng núi heo hút với đống sắt, nhựa nát kia.

Khi nhìn những tấm ảnh chụp hệ thống chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình mà TS Hải đưa ra, kỹ sư Quân lập tức hình dung ra đống đổ nát kia chính là nó. TS Hải nhớ lại: “Bản thân tôi lúc ấy giống như được ai chỉ dẫn để lấy được hệ thống này. Tôi rùng mình, lạnh hết cả người, như có linh hồn 8 bệnh nhân ủng hộ mình”. 

Anh Quân kể, quá trình thương thảo mất cả tuần, phải làm công tác tâm lý với chủ nhân đống đồng nát vì người đàn ông dân tộc thấy người mua cần muốn nâng giá. Cuối cùng hệ thống ấy được mua lại bằng tiền túi của TS Lê Thanh Hải, với yêu cầu kỹ sư Quân: “Bằng mọi giá tôi phải mua được nó”.

Bằng chứng sinh động từ đống đổ nát

Ngày 3/7, toàn bộ hệ thống được thu gom chở về Viện Trang thiết bị và Công trình y tế trong tình trạng rời rạc, gồm  vài trăm mảnh. TS Hải cho biết: “Có hai thứ lớn nhất là bồn của hệ thống RO1 và bồn RO2. Toàn bộ số lượng dây 3 pha, hệ thống đường ống hệ thống tuần hoàn cũng được thu gom lại đầy đủ. Sau khi kiểm thấy thiếu hệ thống RO1. Tôi nhận thấy nguyên nhân do hư hỏng hệ thống RO1 thì phải có hệ thống này. Chúng tôi tìm hiểu được biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chưa thanh lý, vẫn còn ở kho của bệnh viện. Viện đề nghị Bộ Y tế có văn bản để mượn hệ thống RO1. Ngày 11/7, (sau khi hệ thống RO2 về đến Viện được vài ngày) Viện đã lên mượn được hệ thống RO1. Chúng tôi nghiên cứu lại bản vẽ, những tấm ảnh hiện trường Viện có, phục dựng lại hệ thống này”.

Trong gần 2 tuần TS Hải cùng các kỹ thuật viên làm việc xuyên trưa, lắp ráp lại hệ thống chạy thận nhân tạo này. Kỹ sư Quân nhớ lại: “Lắp xong xuôi, ông ấy khóa cửa kỹ lắm, còn đổi khóa nên bọn tôi cũng không vào được. Sau đó một thời gian mới biết mục đích mà anh ấy làm có ý nghĩa lớn thế nào”.

Qua những lần thử nghiệm, các nhà khoa học đã làm rõ không thể có tồn dư HF trong bình RO2. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân không thể tử vong do Florua. Đến đây các nhà khoa học nhận định, các bệnh nhân tử vong do nguyên nhân khác. TS Hải cho hay: “Đó chính là con đường nước ô nhiễm mà Viện đã đưa ra luận chứng trước đó tại Tòa án.

Trong thời gian tới Viện sẽ cùng các nhà khoa học về hóa học, thận, pháp y, pháp lý thử lâm sàng các bước tiếp theo theo chuỗi hành động của Bùi Mạnh Quốc nhằm chỉ ra nguyên nhân khoa học 1 cách sâu sắc để giúp quản lý rủi ro vì an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng chạy thận nhân tạo.

MỚI - NÓNG