Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, ba khẩu thần công có tên Bảo quốc an dân đại tướng quân, được đưa về bảo tàng vài năm trước. Mỗi khẩu nặng 1,3 tấn, dài 2,4 m, đường kính thân 40 cm, đường kính nòng súng 11 cm. Việc phát hiện, thuyết phục ngư dân để đưa về bảo quản là một hành trình dài, đầy khó khăn.
Trong ba khẩu thần công, có một khẩu đã được đánh bóng và cất giữ trong phòng. Ảnh: Đức Hùng.
Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trí Sơn kể, vào một chiều giữa tháng 8/2003, nhóm ngư dân xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đang lặn mò sò dưới độ sâu 30 m thuộc ngư trường đảo Mắt thì đụng phải vật thể có kích thước lớn. Thợ lặn sau đó lần lượt xuống để xác minh.
Qua kiểm tra, họ nhận định vật thể lạ là con tàu cổ bị đắm, dài trên 30 m, đáy rộng 4 m, vỏ được ép đồng, các thanh gỗ đã mục nát. Bên cạnh con tàu nhô lên một đầu pháo lớn bằng đồng nhưng bị cát vùi lấp phần thân. Mọi nhân lực, vật lực được huy động đào bới dưới đáy biển xung quanh vị trí nghi có cổ vật.
Một ngày rồi hai ngày trôi qua, thợ lặn chưa thể đào bới hết lớp cát để tiếp cận toàn bộ khẩu pháo. Những ngày sau, quá trình tìm kiếm dưới đáy con tàu đắm, họ phát hiện rất nhiều cổ vật. Đó là ba nồi đốt hương; 11 lư hương cổ, xung quanh đều được chạm đầu rồng; các ấm pha trà cổ với nhiều họa tiết tinh xảo…
Tìm thấy cổ vật như được tiếp thêm động lực, các thợ lặn thay phiên nhau đào bới dưới đáy biển. Sau hai tuần hì hục, một ngày đầu tháng 9/2003, nhóm thợ vui mừng khi tiếp cận không chỉ một mà là ba khẩu thần công đang nằm dưới đáy biển. Kế hoạch trục vớt được triển khai gấp rút.
Một tàu trọng tải 45 tấn được thuê tới, thợ lặn phải đeo đai chì nặng 15 kg, ngậm vòi dưỡng khí ngâm mình dưới đáy biển trục vớt. Cuối cùng họ đã đưa 3 khẩu thần công lên bờ. Tuy nhiên, sau những ngày tháng vất vả, đặc biệt là chuyến trục vớt sau cùng, 6 thợ lặn đã bị ngất lịm do kiệt sức, phải đưa đi cấp cứu.
Vui mừng trước thành quả mỹ mãn nhưng không biết trả công cho chủ tàu 45 tấn như thế nào cho xứng đáng, nhóm ngư dân liền tặng một khẩu thần công cho người này. Hai khẩu còn lại được mang về cất sau vườn rau của gia đình anh Phạm Tiến Phương và Trần Trọng Thưởng (cùng trú xã Cẩm Lĩnh).
Theo ông Nguyễn Trí Sơn, nếu không phát hiện kịp thời, rất có thể một khẩu thần công đã được đem bán. Ảnh: Đức Hùng.
Theo lãnh đạo Bảo tàng Hà Tĩnh, khi được ngư dân tặng một khẩu thần công, chủ tàu 45 tấn tính mang đi bán kiếm lời. Người này đã liên hệ bán cho một số người mua đồ cổ ở Trung Quốc. Rất may trong quá trình vận chuyển qua huyện Can Lộc, cảnh sát đã phát hiện và thu giữ.
Thời gian sau, hàng chục người buôn đổ cổ đổ về nhà anh Phương và Thưởng để ra giá mua lại hai khẩu thần công. Song các ngư dân không thể thống nhất được mức giá. Bảo tàng Hà Tĩnh đã tới thương lượng, trích 40 triệu đồng từ kinh phí mua bán, chuyển nhượng hiện vật trao cho nhóm ngư dân để đưa hai khẩu thần công về bảo tàng bảo quản, làm hồ sơ xin công nhận bảo vật quốc gia.
Quá trình nghiên cứu, Bảo tàng Hà Tĩnh xác định ba khẩu thần công được vua Minh Mệnh (triều Nguyễn) đúc vào năm 1821. Tất cả đều được đúc nổi công phu, chạm trổ tinh tế, hoa văn trang trí nạm bạc cầu kỳ, đó là hình cúc dây, lá đề, rồng chầu mặt nguyệt, mây... Việc đúc súng nhằm chúc mừng nhà vua lên ngôi, xua tan những điều xấu và giữ bình yên cho đất nước.
Đánh giá 3 khẩu thần công là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của đất nước trong các giai đoạn lịch sử trước, tháng 12/2013, Thủ tướng đã ban hành quyết định công nhận 3 khẩu súng thần công ở Bảo tàng Hà Tĩnh là bảo vật quốc gia. Nhưng điều đáng buồn là từ ngày được công nhận tới nay, mới có một khẩu được trùng tu, đưa vào phòng cất giữ. Hai khẩu còn lại đang được gác trên kệ gỗ đặt ngoài hành lang bảo tàng, bị bụi bẩn, mạng nhện bám xung quanh.
Do chưa có phòng trưng bày, hai khẩu còn lại được gác trên kệ gỗ đặt ngoài hành lang bảo tàng. Ảnh: Đức Hùng.
Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho hay đã đề xuất xin được phê duyệt kinh phí khoảng 400 triệu đồng để làm hệ thống bánh xe cho ba khẩu thần công, nhưng chưa được chấp thuận. Theo các chuyên gia đầu ngành, trong 3 khẩu chỉ nên phục chế một, hai khẩu còn lại dùng để làm đối trọng để mọi người dễ so sánh.
"Hiện chưa có phòng trưng bày nên tạm gác hai khẩu thần công chưa phục chế ngoài hành lang. Sắp tới Bảo tàng có dự án xây mới, chúng tôi sẽ dành không gian riêng, trang trọng để trưng bày các bảo vật quốc gia này", ông Sơn nói.