Hành trình hồi sinh của người đầu tiên được ghép thận - tụy

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm và tặng quà anh Huyên sau ca ghép tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh thăm và tặng quà anh Huyên sau ca ghép tạng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Không còn lo sợ mỗi lần ngất đi sẽ không tỉnh lại, không cần thường xuyên vào viện chạy thận nhân tạo, anh Huyên (44 tuổi, Sơn La) có lại cuộc sống vui vẻ sau gần 15 năm sống chung với bệnh tật.

Ngày 1/3/2014 đánh dấu bước tiến bộ quan trọng của nền y học Việt Nam với việc lần đầu tiên các bác sĩ trong nước thực hiện ca ghép đa tạng thận - tụy. Thành tựu này được bình chọn là một trong 9 sự kiện khoa học công nghệ ấn tượng trong năm. Người được ghép là thượng úy Phạm Thái Huyên, 44 tuổi, công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La. Nguồn tạng là một bệnh nhân chết não tại Hà Nội.

Năm 2000, anh Huyên bỗng nhiên sút cân, người mệt mỏi trong khi vẫn ăn uống bình thường. Gần một năm anh sụt 7 kg, vào Viện Quân y 6 khám thì được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bất ngờ trước kết luận này vì trước đó vốn rất khỏe mạnh, anh Huyên đến Bệnh viện 103 kiểm tra lại và được khẳng định bị tiểu đường tuýp 1, bắt buộc phải tiêm insulin.

Chủ quan nghĩ mình còn trẻ khỏe, anh Huân không tuân thủ phác đồ điều trị khiến chỉ số đường huyết không ổn định, bị biến chứng suy thận. Năm 2009, anh nằm điều trị ở Bệnh viện 103 gần một tháng. Lúc đó, bệnh viện có chương trình ghép tạng, anh đăng ký thử, hy vọng mong manh nếu được ghép tạng biết đâu sẽ thoát khỏi cảnh thường xuyên phải vào viện. Không ngờ vào ngày cuối cùng tháng 2/2014, may mắn đã mỉm cười với anh.

“Bệnh viện gọi điện đến nhà bảo xuống ngay, không nói có việc gì. Đơn vị điều cả xe đưa tôi từ Sơn La xuống Hà Nội vì xe ngoài không còn. Đến Bệnh viện 103 thì đã là nửa đêm, bác sĩ bảo tôi chuẩn bị vào phòng mổ”, anh Huyên kể lại.

Xác định sẵn tâm lý dù kết quả ca phẫu thuật thế nào cũng chấp nhận, vì thế anh bước vào phòng mổ với tâm trạng thoải mái. Anh không gọi điện về nhà cho vợ con, chỉ nhắn nhủ với bác sĩ tâm nguyện được hiến tạng nếu chết. “Được chọn để ghép tôi đã thấy quá hạnh phúc rồi, cùng lắm là chết. Năm 2009, bác sĩ từng cứu tôi một lần thoát chết rồi, nếu có gì cũng chấp nhận thôi. Tạng nào còn khỏe có thể lấy cho bệnh nhân thì cho, còn xác đem về quê nhà”, anh Huyên chia sẻ.

Phó giáo sư Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103, không giấu được niềm vui khi chia sẻ về ca ghép đầu tiên này. "Tụy được coi là tạng 'quý phái', khó ghép, nhưng nếu ghép được thì bệnh tiểu đường của bệnh nhân có cơ hội thay đổi. Thế giới từng làm tuy không nhiều ca, tại sao mình không làm? Đây cũng là nhiệm vụ Bộ Khoa học Công nghệ giao cho Bệnh viện 103 phải thực hiện được ca ghép đa tạng", ông An nói.

Theo phó giáo sư An, bệnh nhân Huyên bị tiểu đường 13 năm, đầu năm 2014 nhiều lúc đường huyết hạ bất chợt, thuốc không khống chế được. Bệnh nhân lại bị suy thận, nếu không được ghép thận - tụy thì sẽ nằm viện thường xuyên, chạy thận nhân tạo.

Các bệnh viện trong nước mới ghép một tạng, tim hoặc thận. Tụy chưa nơi nào thực hiện. Nay ghép tụy cùng với thận nên khó hơn rất nhiều. Cũng vì thế, Bệnh viện đã lên mọi phương án, từ năm 2012 cử cán bộ đi học tập tại các trung tâm thận - tụy ở Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản; phẫu thuật thực nghiệm trên 50 cặp động vật. "Đã làm thì phải đảm bảo chắc thắng, rèn luyện tay nghề tốt. Với ca mổ này, chúng tôi không chỉ thực hiện với 100% sức lực mà là 120%. Vì nếu thất bại thì sẽ không thể thực hiện ca thứ hai", ông An nói.

ghepdatang2-2877-1423045581.jpg

Phó giáo sư Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 (hàng đầu tiên, bên trái) và anh Phạm Thái Huyên. Ảnh:Bệnh viện cung cấp.

Theo phó giáo sư An, ở Nhật Bản,  bệnh nhân đái tháo đường được ghép tụy có thời gian sống sau ghép 5-10 năm hoặc hơn nữa, trong khi các trường hợp bệnh nặng, không được ghép tụy, không kiểm soát được đường huyết thì khả năng tử vong rất cao. "Sau 3 năm chuẩn bị, đột nhiên có bệnh nhân chết não hiến tạng, đến tận đêm gia đình mới đồng ý. Lúc đó quan trọng nhất là bằng mọi cách bảo quản tạng cho thật tốt. Phương án khả thi nhất vẫn là cán bộ của mình tự làm, không thể đợi chuyên gia nước ngoài sang kịp, đồng thời ngay lập tức gọi bệnh nhân từ Sơn La xuống”, phó giáo sư An nhớ lại. 

Hơn 150 y bác sĩ đã tham gia ca phẫu thuật kéo dài 13 giờ tại đồng thời 4 phòng mổ. Anh Huyên vẫn nhớ cảm giác mông lung khi lần đầu tiên mở mắt, không đau nhưng thấy khang khác ở bụng. Nhìn thấy bóng áo trắng, anh hỏi “Các bác sĩ chưa mổ à?” thì mới biết ca mổ đã hoàn tất và mình có thể sống. 

Sau ca ghép, thận hoạt động tốt, hạ được các chỉ số chức năng. Tụy thì phức tạp hơn, từ ngày thứ ba sau ghép bắt đầu diễn biến xấu. Bệnh nhân bị viêm tụy cấp, xuất hiện dịch trong màng bụng, khoang màng phổi, men tụy tăng tiết. Trong 3 tháng hậu phẫu, tập thể y bác sĩ được phân công thành các ê kíp, có gì bất thường là lập tức hội ý. Hội chẩn diễn ra gần như hằng ngày. Lúc nào quanh bệnh nhân cũng có rất nhiều thầy thuốc, có bác sĩ trực liên tục, cả tuần không thấy mặt vợ con. Tất cả đều tập trung vào lo đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Đến nay, sức khỏe anh Huyên đã tốt lên, ăn uống không phải kiêng khem, không ngất liên tục như trước, chỉ số đường huyết ổn định. Người vợ làm giáo viên không còn hoảng hốt mỗi khi thấy chồng ngất xỉu, con trai không còn cảnh rốt rít lay gọi vì sợ bố mãi mãi không tỉnh. Cách một tháng anh lại bắt ôtô ra Bệnh viện 103 kiểm tra và lấy thuốc uống. “Trước khi ghép thận - tụy, không biết bao nhiêu lần vì hạ đường huyết mà tôi ngất xỉu. Nếu không có đồng đội trong đơn vị chắc có lẽ tôi đã không sống được. Vì thế sống thêm được ngày nào, với tôi đã là điều hạnh phúc”, anh Huyên luôn tâm niệm nói.

Theo Giám đốc Bệnh viện 103, thành công bước đầu của ca ghép tụy - thận mở ra triển vọng rất lớn để đội ngũ y bác sĩ tại Việt Nam khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế. Với kỹ thuật ghép tạng, các bác sĩ sẽ cứu sống được nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước, điều khó khăn hiện nay là nguồn tạng hiến tặng rất hiếm, trong khi nhu cầu của người bệnh rất lớn.

Đến nay Việt Nam đã triển khai thường quy ghép gan, tim, thận, giác mạc, van tim. Mong muốn của các thầy thuốc là có được nguồn tạng để có thể cứu được nhiều bệnh nhân hơn nữa. 

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.