Yusra Mardini là một nạn nhân chiến tranh, buộc phải rời quê nhà vào năm 2015 trong hành trình giữa sự sống và cái chết. Trước khi phải tị nạn ở Đức, Yusra Mardini là một VĐV bơi lội tiềm năng. Không thể đại diện quê hương Syria thi đấu ở Olympic, Yusra Mardini quyết định lựa chọn tham gia đoàn vận động viên người tị nạn của Olympic gồm 10 người thi đấu ở Rio de Janeiro năm 2016.
Năm nay, Yusra Mardini tiếp tục đại diện đoàn vận động viên người tị nạn tranh tài ở Olympic Tokyo. Đoàn vận động viên người tị nạn gồm 29 người: 9 người Syria, 5 người Iran, 4 người Nam Sudan và 3 người Afghanistan. Nữ kình ngư 23 tuổi sẽ thi đấu nội dung 100 m bướm nữ ở Tokyo không chỉ với tư cách một VĐV mà còn làm biểu tượng truyền cảm hứng về tinh thần bình đẳng của thể thao.
"Cá nhân tôi cảm thấy rất may mắn khi được trở thành một phần của đội. Tôi muốn trở thành một thiếu niên bình thường nhưng lại phải trải qua quá nhiều thử thách. Nhưng rồi thật may mắn, chúng tôi đã tập hợp cùng nhau để thi đấu. Đoàn vận động viên người tị nạn đang đại diện cho hy vọng của những người cùng số phận hoặc những người trẻ tuổi trên khắp thế giới", Mardini nói sau khi được Ủy ban Olympic Quốc tế điền tên vào danh sách 29 thành viên đoàn vận động viên người tị nạn tham gia tranh tài ở Olympic Tokyo.
Jamal Abdelmaji Eisa Mohammed, người chạy trốn khỏi chiến tranh ở vùng Darfur của Sudan, là một trong số 7 thành viên Đội Olympic người tị nạn được chọn cho môn điền kinh. Vận động viên này sẽ tranh tài ở nội dung 5.000 m nam. Ngoài ra, còn có 6 vận động viên tị nạn thi đấu môn judo, 3 người taekwondo và 2 trong môn karate.
Đoàn vận động viên người tị nạn đi đến Tokyo từ Doha sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19. Các VĐV thi đấu dưới lá cờ Olympic, và nếu giành được huy chương, lá cờ sẽ được kéo lên và vang lên bài hát Olympic.