Hành trình để thấu hiểu

Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt
Bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt
TP - Mười tám năm gắn bó với ngôi nhà chung mang tên Tiền Phong thì có tới 17 năm được Ban biên tập giao nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực y tế, một mảng đời sống mà ở đó tôi may mắn được gặp những nhân vật đặc biệt, được chứng kiến sự hồi sinh kỳ diệu của biết bao phận người và cũng không ít lần gạt nước mắt trước cảnh đời hẩm hiu.  

Và cũng nhờ sự giao phó đó, hơn 6.000 ngày đã qua, công việc đặc thù cho tôi được “lê la” ở những nơi mà nếu là một người không liên quan chắc hẳn không mấy ai muốn đặt chân đến…

Tìm ra sự thật

Năm 2014, dịch sởi bùng phát với mức độ khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hơn 100 đứa trẻ vô tội. Trong khi các bác sĩ điều trị nhận định dịch có những diễn biến bất thường thì lãnh đạo ngành y tế lúc đó cho rằng, dịch sởi không bất thường mà theo đúng chu kỳ 4-5 năm.  Mãi mãi trong tôi không thể quên cảm giác xót xa khi tận mắt chứng kiến những đứa trẻ nằm kín phòng bệnh, xung quanh là chằng chịt dây dợ nối với máy móc để duy trì sự sống. Bằng nghiệp vụ và những mối quan hệ riêng với các bác sĩ ở nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội, tôi và đồng nghiệp có được những con số tử vong do sởi cao gấp nhiều lần con số Bộ Y tế công bố. Có những ngày hơn 12 giờ đêm, mưa ướt sũng tôi mới trở về nhà sau những giờ phút cùng có mặt với các nhân viên y tế trong ca trực đêm để tận mắt nhìn thấy những bất thường xót xa dịch bệnh đem đến. Vẫn nhớ, khi đó vì con mình còn nhỏ, tôi thường phải cách ly với chúng vài ngày sau những lần vào viện thâm nhập thực tế viết dịch bệnh. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ toà soạn giao nhưng thâm tâm mình tôi không khỏi lo sợ nhỡ may bản thân trở thành nguồn lây bệnh cho con. 

Hành trình để thấu hiểu ảnh 1 Bác sĩ BV 09 chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối

Chính sự nhạy cảm và đồng cảm mà những phóng viên y tế ngày đó đã có nhiều bài viết phản ánh đúng thực tế, góp phần giúp người dân phòng bệnh và giúp chính ngành Y tế thừa nhận tình hình dịch sởi không đơn giản như Bộ vẫn báo cáo để có hướng khống chế dịch kịp thời.

Hy sinh thầm lặng

Đấu tranh chống tiêu cực luôn phải đối diện với vô vàn cạm bẫy. Tôi đã được gặp và đồng hành cùng một người phụ nữ quả cảm. Chị là bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt mang biệt danh “Nguyệt Hoài Đức” từ khi tố cáo lãnh đạo Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) nhân bản kết quả xét nghiệm. Vụ án đã được đưa ra xét xử khiến xã hội lại thêm một lần nhắc nhớ tới chị, người phụ nữ dám vượt qua mọi bão giông, hy sinh lợi ích riêng để giữ lại sự trong sạch của tấm áo blouse trắng. Tôi vẫn còn giữ những tin nhắn chị Nguyệt gửi, lúc là chia sẻ thông tin cho bài viết của tôi, khi là lời cảm ơn vì với chị, tôi là phóng viên đã gắn bó vào những lúc chị chịu nhiều sức ép và mệt mỏi nhất. 

Hành trình để thấu hiểu ảnh 2 Bác sĩ chăm sóc bệnh nhi trong dịch sởi năm 2014

Bốn năm kể từ ngày vụ tiêu cực “nhân bản xét nghiệm” được đưa ra xét xử, tôi gặp lại người phụ nữ từng gây bão dư luận bởi cuộc đấu tranh “có một không hai” trong ngành y mà chị kiên trì đeo bám, dẫu biết chắc khó khăn bời bời chờ đón. Vẫn chị, ít nước mắt hơn, nhưng giọng vẫn nghèn nghẹn. Sống, là tự vấn không ngừng về lẽ phải… Với ánh mắt lúc nào cũng toát lên sự tự tin, quyết đoán, bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, người từng là tâm điểm của báo chí trong những ngày bạn đọc cả nước dõi theo cuộc đấu tranh chống tiêu cực khi nhắc lại hơn 300 ngày giông bão của cuộc đời mình vẫn không giấu được những giọt nước mắt. Từng nhiều lần chứng kiến người phụ nữ này rơi lệ trong quá trình chị đưa sự thật ra ánh sáng nên lần gặp lại này cho tôi hiểu, những giọt nước nơi khoé mắt chị chất chứa niềm hạnh phúc vô bờ bởi khát khao và niềm tin vững bền của chị vào sự công minh của pháp luật đã được bù đắp xứng đáng.

Chị mời tôi về nhà bởi muốn chúng tôi có thể trò chuyện như những chị em gái, chứ không phải là cuộc phỏng vấn đào xới lại những sự việc đã qua. Căn nhà ấy, chúng tôi đã nhiều lần ngồi bên nhau chia sẻ, động viên để chị vững tâm với con đường mà mình theo đuổi. Hôm nay lại bên nhau, nhưng nước mắt đã vơi, thay vào đó là những lời tâm sự mà bấy lâu nay chị vẫn chất chứa trong lòng: “Nếu phải làm lại, chị vẫn sẽ lựa đi theo con đường mà mình đã chọn”.  

Lần gặp gần đây nhất, nhắc lại những ngày gian khó mà mắt chúng tôi nhoè lệ. Tôi thấy giọng chị có lúc nghẹn lại và rồi qua giây phút rất phụ nữ ấy lại thấy chị đúng là chị, mạnh mẽ và kiên cường. Công việc may mắn cho tôi gặp được những con người cương trực như bác sĩ Hoàng Thị Nguyệt, điều đó như liều thuốc bổ tinh thần giúp tôi tin những điều tốt đẹp luôn có thật giữa cuộc đời này...

Mãi mãi một tình yêu

Gần 8 năm kể từ ngày đăng ký đề tài với sếp muốn đi viết về những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối nhưng những ám ảnh vẫn chưa phai mờ. Từng đặt chân đến hầu hết những bệnh viện ở Hà Nội, từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng quả thực đến giờ tôi vẫn không quên được cảm giác sốc khi bước vào căn phòng “tử thần” của Bệnh viện 09, nơi điều trị những bệnh nhân AIDS gần đất xa trời. Họ nằm đó, thân hình lở loét thấp thỏm đợi ngày cái chết đến, nỗi cô đơn giày vò, khát khao nắm một bàn tay người thân. Nơi này, không có tình trạng quá tải bệnh nhân, không có sự xô bồ, chen lấn đến giờ thăm nom như hầu hết bệnh viện trên cả nước. Cô đơn và bi quan đến cùng cực là trạng thái của họ khi bị gia đình bỏ rơi. Đã có những người cắt mạch máu hoặc nhảy từ trên tầng 2 xuống đất để tự tử. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị những người ruột thịt chối bỏ. Nhiều lần bác sĩ gọi điện cho người nhà bệnh nhân để thông báo tình hình sức khỏe thì nhận được từ đầu dây điện thoại đằng kia câu hỏi lạnh lùng: “Nó chết chưa?”. Phần lớn bệnh nhân sau khi tử vong không có người nhà đến nhận xác, bệnh viện phải đứng ra lo thủ tục hỏa táng và chôn cất. 

Những khoảnh khắc mang hình hài nỗi đau ấy giúp tôi có được bài viết chân thực về thân phận cùng là một kiếp người, nhưng họ phải chết mà không người thân thừa nhận. Cũng nhờ đó tôi hiểu thêm công việc cực nhọc nhưng lặng thầm của những bác sĩ và hộ lý, điều dưỡng. Tiếp xúc với bệnh nhân và môi trường bệnh tật nguy hiểm hàng ngày trong thời gian dài, không ít nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm HIV, bệnh lao… Thậm chí có người phải giấu gia đình nhà chồng công việc mình làm để tránh bị kỳ thị. Sự khắc nghiệt của nghề dẫu cay đắng thế nào cũng không làm vơi tình yêu với nghiệp mà họ đã lựa chọn…

Chặng đường làm phóng viên y tế gần 20 năm là hành trình ý nghĩa nhất mà tôi may mắn góp mặt và theo đuổi để rồi dần thấu hiểu: Sinh tử vô thường! Và nếu sự sống được giành giật từng giây rồi trong phút hoàn nguyên trở về với tiếng cười, thì sự may mắn không phải hoàn toàn từ trên trời rơi xuống, nếu như không có bàn tay tài hoa và tấm lòng như mẹ cha của y bác sĩ. Năm tháng trôi qua, bao cuộc gặp gỡ với những con người khoác trên mình tấm áo blouse hun đúc trong tôi tình yêu với công việc, dạy cho tôi biết trân quý những nhân vật đã đến với bài viết của mình, bởi họ chính là một phần của cuộc đời làm báo mà tôi xác tín rằng đó mãi mãi là sự lựa chọn đúng đắn nhất của mình.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.