Sau khi nhập cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) vào chiều 3/8, chị Đồng Thị Hương Linh (SN 1988, trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên, Thái Nguyên) cùng chồng là anh Sas Peter (SN 1986, quốc tịch Hungary) đã về đến Việt Nam trong niềm xúc động, phấn khởi. Sau giây phút ngoái nhìn hành trình vừa trải qua, đôi vợ chồng “phượt thủ” này đã nghỉ chân ở Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên Lạng Sơn. Nhân dịp nay, PV Tiền Phong đã gặp gỡ trò chuyện với vợ chồng “phượt thủ”, để hiểu thêm về hành trình đặc biệt này.
Hợp duyên từ đam mê mạo hiểm
Cởi bỏ những nhọc nhằn, hiểm nguy, trên gương mặt rắn rỏi của anh chị Linh - Peter hiện lên nụ cười rạng rõ, thân thiện. Khi tôi tò mò muốn biết cơ duyên nào, anh chị đến với nhau, chị Linh vui vẻ nói: Cách đây chừng 6 năm (năm 2011), anh Peter lúc đó là sinh viên một trường Đại học ở Hungary sang Trường Đại học Kỹ thuật CN Thái Nguyên thực tập. Khi đó, chị cũng vừa tốt nghiệp khoa Môi trường của Trường đại học Kỹ thuật CN Thái Nguyên. Chị có những buổi thuyết trình cho một số sinh viên, trong đó có anh Peter tham dự. Ngày đó, người nói thành thạo tiếng Anh như chị khá hiếm nên sau buổi giảng bài, anh Peter chủ động xin số điện thoại để liên lạc, trao đổi. Ngoài công việc chuyên môn, hai người có cùng chung sở thích là du lịch mạo hiểm. Sau khi hết 5 tháng thực tập, anh chàng Hungary chia tay Linh bằng một chuyến dã ngoại bằng xe đạp từ Thái Nguyên - Sài Gòn.
Cuối năm 2011, chị Linh nhận được học bổng ngành kỹ sư môi trường ở Phần Lan. Anh Peter được bổ nhiệm làm Thư ký dự án của Tập đoàn Audi (Đức) đặt tại Hungary. Trong ba năm học lấy bằng thạc sỹ, Linh và Peter thường xuyên trao đổi điện thoại, thư tay và mỗi năm gặp nhau đôi ba lần. Khi Linh ra trường, cũng là lúc anh chàng Hungary ngỏ lời cầu hôn. “Tôi đã sang nhà anh Peter vài lần, bố mẹ anh ấy là viên chức đã về hưu nên rất thông cảm, hiểu mối tình của chúng tôi. Gia đình bên nội rất yêu quý con gái Việt Nam nên chuyện cưới xin không thành vấn đề. Thế nhưng, gia đình tôi thì khác. Ban đầu, bố mẹ không đồng ý vì lo lắng vì thương con gái dặm trường, bất đồng ngôn ngữ, sinh hoạt. Cuối cùng, chúng tôi đón bố mẹ sang Hungary chơi, tận mắt nhìn thấy cuộc sống của gia đình Peter nên song thân đã đồng ý. Đám cưới chúng tôi được tổ chức vào tháng 2/2015”. Chị Linh chia sẻ.
Sau khi thành hôn, vợ chồng chị Linh - Peter bàn bạc, quyết định tổ chức một chuyến “yêu xa”, thực hiện “năm trăng mật” đi xe đạp từ gia đình Peter ở Hungari về Thái Nguyên - quê vợ. Cả hai đều quyết tâm lên kế hoạch trong vòng gần một năm trời. Tất cả đồ đạc, của cải được bán sạch, gom tiền thực hiện chuyến “yêu xa”. Chị Linh chỉ tôi thấy 2 chiếc xe đạp “đặc chủng” mà hai vợ chồng chị đã rong ruổi qua 13 nước và vùng lãnh thổ rồi cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi đã đặt ở Áo sản xuất hai chiếc xe đạp dành riêng cho vợ chồng tôi. Giá mỗi chiếc vào khoảng 50 triệu đồng Việt Nam”.
Hành trình “hành xác”
Sáng 14/8/2016 (đúng ngày kỷ niệm 1 năm ngày cưới); anh chị Linh - Peter xuất phát từ Hungary. Trải qua hơn một năm, họ đã đạp xe trên 11.000 km, ghé thăm 13 quốc gia, vùng lãnh thổ trải dài từ châu Âu sang châu Á: Hungary - Croatia - Bosnia và Herzegovina - Montenegro - Albania - Hy Lạp - Iran - Sri Lanka - Ấn Độ - Nepal - Thái Lan - Trung Quốc và Việt Nam. Ban đầu, khi biết đôi vợ chồng trẻ thực hiện chuyến đi mạo hiểm và có phần điên rồ nên gia đình 2 bên phản đối khá quyết liệt vì lo ngại chặng đường xa xôi, cách trở, chông gai khó lường.
Và quả thật, họ đã phải đối mặt với không ít khó khăn, gian khổ. Theo chị Linh kể lại: trong tháng 10/2016, hai anh chị đi đến đất nước Iran. Trong vòng 2 tháng, anh chị nếm trải những khắc nghiệt kinh hoàng ở đất nước Hồi giáo này. Ở miền Bắc thì lạnh đến 15, 16 độ C, nhưng ở miền Trung thì sa mạc bỏng rát đến 50 độ. Nóng là vậy, nhưng chị vẫn phải trùm khăn kín tóc, đầu vì phải thực hiện theo phong tục, tập quán tại đây. Ngày thì nắng như đổ lửa, nhưng khi màn đêm buông xuống thì nhiệt độ xuống chỉ còn 0độ C. Những lúc không có nhà dân, vợ chồng phải kiếm củi đốt, trùm chăn mỏng chống rét qua đêm.
Lựa chọn cách đi du lịch giảm thiểu chi phí (theo cách tính của anh chị, mỗi ngày, tiền ăn ba bữa và tiền nghỉ trọ sẽ không quá 400 ngàn VNĐ) và tương tác với người dân địa phương, do đó, cách Hương Linh và chồng nghỉ qua đêm thường là cắm trại trong sân nhà của người dân hoặc xin họ cho ngủ nhờ. Những lúc, thời tiết thất thường, một trong hai người ốm hoặc khi gặp phải người dân địa phương thờ ơ, vô cảm… từ chối giúp đỡ người nước ngoài nên anh chị lại phải tự chăm sóc, động viên nhau vượt qua.
Vợ chồng chị Linh - Peter cho biết, có những lúc trở nên bế tắc và nản lòng vì gặp những bất trắc. Khi đi, hai người chuẩn bị kha khá tiền mặt để tiêu dọc đường hoặc để đổi thành tiền nước sở tại. Bí lắm mới dùng thẻ tài khoản vì không phải nơi nào cũng có, có nước sử dụng cách rút tiền rất phức tạp.
Chị Linh kể, khi đến Ấn Độ, đúng lúc đất nước này đang diễn ra đổi tiền nên hai người trở nên trắng tay. Bí quá, anh chị phải cậy nhờ cảnh sát giúp đỡ, may mà cuối cùng cũng đã vượt qua được. “Điều may mắn là trên dặm đường xa xôi, chúng tôi không va chạm với bọn cướp nên tài sản, tiền bạc mang theo người vẫn được bảo toàn cho đến khi về tới Việt Nam”. Chị Linh vui mừng thổ lộ.
Tình người không biên giới
Khi đi qua Iran, biết chị Linh là người Việt Nam, người dân nơi đây lại tỏ ra hết sức thân thiện, yêu mến. Khoảng 2 tháng trời đạp xe ở Iran, hai người không phải tiêu một xu nào cho việc ăn nghỉ. Đi đến đâu, người dân cũng chủ động lại gần và mời về nhà họ. Có người còn cố gắng thuyết phục vợ chồng Linh - Peter ở lại lâu vì họ rất quý những người khách nước ngoài đã lặn lội đạp xe đến thăm. Chị Linh kể thêm, có bận ở Albania, vợ chồng dừng chân ở một ngôi làng rất nghèo vùng ngoại ô lúc trời đã gần tối. Loay hoay chưa tìm được chỗ nghỉ đêm thì một thanh niên tiến lại gần và hỏi hai người (bằng giọng điệu và cả bằng động tác tay) thể hiện xem có cần anh ấy giúp đỡ gì không.
Anh này có vợ cùng con gái chỉ mới hơn 1 tuổi xin tị nạn sang Đức gần hai năm nay, không có việc làm và rất khó khăn. Thế nhưng, khi thấy 2 người xa lạ, người đàn ông này đã đưa về nhà ngay và mang hết tất cả những đồ ăn trong nhà ra để thết khách.
Vợ chồng chị Linh - Peter dành một buổi chiều tối khi bước chân đến Lạng Sơn để thăm thú những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng ở xứ Lạng. Anh Peter tỏ ra thích thú với cảnh quan, văn hóa nơi đây. Và cả chặng đường đi qua 13 nước (6 nước châu Âu, 7 nước châu Á), anh chị đã được trải nghiệm những rất nhiều câu chuyện, tình huống mà nếu không đi sẽ không bao giờ biết đến. Chị Linh cho biết: Có không ít người cho rằng, chuyến đi của hai vợ chồng anh chị lãng phí thời gian, sức khỏe lẫn tiền bạc, song thực tế đã chứng minh, ý chí, nghị lực của con người luôn chiến thắng tất cả. Qua một năm trời, vợ chồng anh chị học hỏi thêm từ cuộc sống bên ngoài bằng chính những gì mắt thấy tai nghe, vừa tận hưởng từng ngày trôi qua đáng nhớ và ý nghĩa. Hai người càng trân quý giá trị cuộc sống, sự yêu thương, sẻ chia chung nhau vượt mọi khó khăn để tình yêu, cuộc sống thêm vững bền.
“Chuyến đi đã thay đổi cách nghĩ của chúng tôi rất nhiều. Con người ở đâu cũng vậy, dù không cùng chung màu da, không chung ngôn ngữ hay quan điểm về cuộc sống, vẫn có một giá trị cốt lõi nhất, đó là tình người”. Chị Linh quả quyết.
Sáng 4/8, chia tay chúng tôi, anh chị Linh- Peter lại cùng nhau lên 2 “chiến mã” rong ruổi trên mảnh đất xứ Lạng, dọc tuyến đường 1A từ Lạng Sơn xuống tỉnh Bắc Giang để từ đó rẽ ngang về Thái Nguyên.
“Chúng tôi mong ngóng ngày này từ lâu rồi. Rất hồi hộp khi vào lúc 15 giờ, ngày 5/8, chúng tôi cán đích tại quê nhà ở thành phố Thái Nguyên. Sau lễ kỷ niệm 2 năm ngày cưới, chúng tôi sẽ tính đến chuyện nên định cư ở Việt Nam hay ở Hungary cũng như tìm kiếm việc làm vì trước khi đi phượt, cả hai đã nghỉ việc. Thêm nữa, chúng tôi cũng sẽ tính đến chuyện sinh em bé ”. Vợ chồng anh chị Hương Linh - Peter tiết lộ.