Đắk Lắk:

Hành trình 10 năm, đào tạo nhân lực tay nghề cao

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, những năm qua, Đắk Lắk triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao.

Đổi mới công tác đào tạo

Hành trình 10 năm, đào tạo nhân lực tay nghề cao ảnh 1

Một khoá dạy cắt may cơ bản cho chị em phụ nữ

Đắk Lắk có nguồn lao động trẻ, dồi dào, song tỷ lệ nhân lực có trình độ, tay nghề cao còn ít. Trước yêu cầu của thị trường lao động, trong 10 năm qua, tỉnh Đắk Lắk nỗ lực triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.

Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chú trọng xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng lồng ghép và tích hợp, tập trung hình thành kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chú trọng nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống của người học, giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng an ninh và định hướng nghề nghiệp.

Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi linh hoạt phương thức đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hành trình 10 năm, đào tạo nhân lực tay nghề cao ảnh 2

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống rất được phụ nữ Êđê yêu thích, lựa chọn

Như Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên từ năm 2014 tranh thủ được nguồn vốn ODA, dự án viện trợ KOICA (Hàn Quốc), thông qua hoạt động liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế về trao đổi học thuật, hoạt động tham quan học tập. Ngôi trường này cũng triển khai tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và chương trình đào tạo Chất lượng cao của Úc trong khuôn khổ dự án ODA, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của quốc tế…

Về phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN trên địa bàn chủ động kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm phối hợp trong đào tạo nghề và gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Cách làm trên giúp người học được thực hành với những phương tiện, thiết bị hiện đại, có thể đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tế công việc sau khi tốt nghiệp; đồng thời, tiếp cận với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, có nhiều cơ hội tìm được việc làm.

Hành trình 10 năm, đào tạo nhân lực tay nghề cao ảnh 3

Học viên được tham gia thực hành trên máy móc

Trong giai đoạn 2014-2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ký hợp đồng đào tạo, cung ứng nhân lực với số lượng hơn 100.560 người. Nhờ làm tốt công tác khảo sát nhu cầu sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động, các trường cao đẳng, trường trung cấp nhiều năm cũng đã mở mới nhiều mã ngành đào tạo theo nhu cầu của xã hội.

Hiện, các cơ sở GDNN tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo nghề theo yêu cầu của thị trường lao động của cả 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trong đó, tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong những ngành công nghiệp trọng yếu như: Cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng như du lịch, thương mại. Nhìn chung, các cơ sở giáo dục đã khắc phục tình trạng đào tạo những ngành nghề mà mình sẵn có.

Thu hút người học, xã hội hoá GDNN

Để thu hút người học tham gia và các chương trình GDNN, công tác vận động, tuyên truyền rất được Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk quan tâm, chú trọng. Bởi thực tế, việc thu hút học sinh vào các trường nghề còn nhiều khó khăn. Do đó, thời gian qua, Đắk Lắk áp dụng có hiệu quả nhiều chính sách của nhà nước về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, nhằm tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học nghề, tìm việc sau khi ra trường.

Đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia học trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở GDNN, còn được hưởng chính sách nội trú bao gồm: Học bổng chính sách, mua đồ dùng cá nhân, đi lại... Nhìn chung, qua thực hiện tốt các chính sách nêu trên đã tạo động lực, thu hút học sinh, sinh viên học nghề hàng năm, tạo điều kiện giúp người học an tâm học tập.

Bên cạnh công tác tuyển sinh, thu hút người học, Đắk Lắk còn đẩy mạnh xã hội hoá GDNN, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề. Theo đó ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp hoặc cơ sở GDNN ngoài công lập khi tham gia đào tạo đối với các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp lựa chọn và tham gia phối hợp với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh trong đào tạo nghề, được thụ hưởng phần kinh phí đào tạo tương ứng với việc tham gia đào tạo.

Từ đây đến năm 2025, Đắk Lắk tiếp tục đặt ra các mục tiêu cho công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao. Cụ thể, thu hút từ 35-40% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN; tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%; ít nhất 10% cơ sở GDNN và 7 chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; trên địa bàn có 1 trường chất lượng cao; 1 trung tâm đào tạo ngành nghề nông nghiệp công nghệ cao cho địa bàn tỉnh và toàn vùng…

Ngoài ra, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động khi tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề. Từ năm 2014 – 2023, tổng nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao tại tỉnh Đắk Lắk hơn 648 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương hơn 272 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 298 tỷ đồng, còn lại là nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho GDNN.

MỚI - NÓNG