Báo giới Nhật Bản cho rằng, những năm gần đây 2 nước đã xích lại gần nhau hơn trong quan hệ hợp tác quân sự. Các cuộc tập trận chung có thể coi như biểu tượng tăng cường hợp tác giữ gìn an ninh và kinh tế.
Ngoài khoa mục chống khủng bố, cuộc tập trận sắp tới còn bao gồm tác chiến địa hình rừng núi trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm của vùng Đông bắc Ấn Độ.
Hai bên cũng đang thảo luận về việc tổ chức huấn luyện chung giữa Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản và Không quân Ấn Độ, tìm kiếm giải pháp thực hiện kế hoạch Không quân Ấn Độ sẽ tham gia huấn luyện tại Nhật Bản từ năm 2020.
Theo truyền thông Nhật Bản, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa 2 nước có thể giúp cân bằng sự hiện diện của Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, quân sự ở Nam Á.
Một chuyên gia quân sự Bộ quốc phòngTrung Quốc giấu tên nói rằng, xét trên góc độ huấn luyện quân sự, Nhật, Ấn đều có mục đích riêng của mình trong cuộc tập trận này. Đối với Nhật Bản, việc tham gia huấn luyện trong điều kiện địa hình, khí hậu như ở Mizoram sẽ giúp nâng cao khả năng đa dạng hóa cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khi triển khai tác chiến ở nước ngoài.
Lục quân Ấn Độ mặc dù có quân số đông, nhưng không có ưu thế về công nghệ và trang bị. Do đó, tham gia hợp luyện cùng Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản sẽ giúp Ấn Độ tiếp xúc nhiều hơn với những trang bị tác chiến tiên tiến, rèn luyện nhiều hơn kỹ năng tác chiến đặc chủng.
Ngoài ra, Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự trên danh nghĩa chống khủng bố, Lục-Hải-Không quân được “đi ra ngoài”, tức là xóa đi cảm giác “trói buộc” trên lĩnh vực quân sự, triệt để thoát khỏi hạn chế của Hiến pháp hòa bình, chuẩn bị trước cho sự thay đổi Lực lượng phòng vệ thành “Lực lượng quốc phòng”.