Hạnh phúc muộn

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Dì tôi, ngoài 30 vẫn lẻ bóng một mình. Nhiều người bảo, số dì vất vả trăm đường, lại hay sống, hay nghĩ cho người khác. Dì cười buồn.

Dì là út, nhưng mấy năm nay, khi anh chị dần lập gia đình rồi có cháu, một mình dì ở quê xoay xở hết mọi việc, từ chuyện đồng áng tới ma chay, giỗ chạp, chăm ông bà khi ốm khi đau. Lúc nào dì cũng tối mắt tối mũi. Nhắc chuyện chồng con, dì bảo, phải lo cho ông bà tử tế, rồi muốn đi đâu làm gì thì làm.

Chuyện chồng con, chẳng phải dì không nghĩ, nhưng dì vốn không xinh, răng lại vẩu, mối nào đến cũng chê dì kém duyên. Dì chặc lưỡi “Nước sơn được mấy hào”.

Nhưng ông bà ngoại tôi thì khác, ông bà lúc nào cũng mong dì yên bề gia thất. Thấy con vất vả mãi chuyện nhà, ông bà không cam.

Ở nhà chật vật tiền nong, được người quen giới thiệu, dì vào Nam làm giúp việc cho một gia đình giàu có. Dì vốn tháo vát nên công việc của nhà chủ đâu ra đấy. Dì vừa chăm sóc em bé nhỏ lại vừa quán xuyến việc nhà, chợ búa cho người ta. Chủ nhà chẳng chê trách được gì dì. Làm được bao nhiêu, dì gửi bằng sạch về cho ông bà, chẳng giữ riêng đồng nào.

Dì bảo tôi: “Thế này cũng ổn rồi, dì làm việc cả ngày, đỡ nghĩ ngợi, khỏi phải suốt ngày ám ảnh hai chữ “chồng con”, lương cũng khá, dì làm tốt nên còn được thưởng thêm nữa”. Tưởng đâu mọi việc ổn thỏa, ai ngờ, một năm sau dì nhắn “Dì nghỉ rồi, không làm cho nhà họ nữa”. Dì bảo, làm được nửa năm ngon lành, thì bà chủ nhà “dở chứng” ghen tuông. Lúc nào chị chủ nhà cũng nghĩ chồng và dì có quan hệ mờ ám trong khi dì không làm gì nên tội. Mặc dù chị ấy không nói thẳng ra với dì, nhưng cái kiểu mặt nặng mày nhẹ rồi soi xét khiến dì không vui. Nhiều bận, hai vợ chồng gây chuyện rồi chị chủ nhà cứ bóng gió tới dì khiến mối quan hệ của dì với anh chủ nhà cũng trở nên ngượng ngập.

Dì thương thằng bé con không ai chăm sóc nên gắng gượng ở thêm nhưng không xong. Cũng may, sau đó, mẹ chồng của chị chủ nhà, do cảm mến dì từ trước nên đón dì về. Ở với bà, dì sướng hẳn. Việc nhà ít, dì làm loáng cái là xong, sau đó thì cùng bà đi dạo, đi chợ hoặc cùng đi chơi đâu đó. Bà mất ông đã lâu nên có dì, bà cũng vui hẳn.

Từ hồi ở với bà, dì lên cân, sắc mặt hồng hào và tươi tắn thấy rõ. Dì về quê chơi, ai cũng khen. Dăm ba mối nhìn thấy dì lúc này, chép miệng tiếc rẻ.

Dì tính, cứ ở nhà với bà chủ mới chừng nào bà không cần nữa thì thôi, cuộc sống an nhàn mà bình yên với dì thế là đủ. Nhưng bà chủ của dì tính khác. Thấy dì 35 tới nơi mà vẫn lẻ loi, bà tìm cách mai mối. Bà bảo dì: “Bác cũng chả muốn xa con đâu, chả mấy khi có người ở bên bầu bạn, lại hiền lành thương người như con. Nhưng con cũng cần hạnh phúc riêng”. Dì rơm rớm nước mắt: “Bác cứ để con ở với bác tới khi nào bác chán thì thôi, con có tuổi rồi, chồng con gì nữa”.

Bà chủ nhà giới thiệu dì hết mối này tới mối nọ nhưng dì tìm cách lảng tránh. Dì thương bà. Mang tiếng có con cái đề huề, mà đứa xuất ngoại rồi ở luôn bên đó, con trai cưới vợ ở gần nhưng cả tháng về thăm mẹ được 1-2 lần. Bà cô đơn trong ngôi nhà hơn trăm mét vuông.

Nghĩ vậy, thế nhưng người tính không bằng trời tính, dì bắt đầu thấy trái tim mình rung động đến lạ thường trước người đàn ông ấy. Chú ngoài 40, vợ mất cũng đã 6 năm, có một cậu con trai 10 tuổi. Chú là cháu của bà chủ nhà. Mới đầu, khi bà giới thiệu chú cho dì, dì cũng trốn như bao lần khác. Nhưng rồi vài bận chú đến, thấy tấm chân tình của chú với bà, dì cảm động. Chú thường xuyên đưa con trai qua chơi với bà và cũng tìm cách trò chuyện với dì. Chẳng hiểu sao, cứ nghĩ tới dáng chú dắt tay con lúc chào dì và bà ra về, dì trằn trọc mãi.

Thế rồi thương và cảm mến người đàn ông ấy, dì gật đầu để làm vợ người ta. Ngày đón dâu, ông bà ngoại tôi mừng ra mặt. Bà chủ nhà cũng khóc, dì cũng khóc, nước mắt vui buồn xen lẫn. Dì lúng búng: “Mai này, ai chăm sóc bác?”. Bà nước mắt nhạt nhòa: “Cha bố cô, lo phần mình đi đã, người già chúng tôi tự biết cách chăm sóc mình”.

Chú dìu dì ra xe hoa, đôi mắt của đôi lứa lấp lánh. Cũng đã đến lúc, dì cần yêu thương cho cuộc sống của mình.

Theo Dantri
MỚI - NÓNG