Giày dép xuất sang Trung Quốc . Ảnh: Phạm Yên |
Tổng Giám đốc Cty Vinacafe Phạm Quang Vũ cho biết: Vinacafe đã ký hợp đồng với nhà phân phối sản phẩm tại thị trường các tỉnh khu vực phía Bắc Trung Quốc như Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Bắc Kinh, thậm chí cả Hắc Long Giang gần biên giới với Nga.
Theo đó, kể từ đầu năm 2011, sản phẩm cà phê hòa tan của Vinacafe sẽ được phân phối tại các tỉnh phía Bắc Trung Quốc khoảng 2 container/tháng/tỉnh và sau đó sẽ nâng dần lên theo lộ trình cụ thể.
Theo ông Vũ, Vinacafe đã vào thị trường Trung Quốc từ khá lâu. Lúc đầu cũng rất trầy trật vì người dân nước này ít có thói quen uống cà phê, song nhờ “mưa dầm thấm lâu” và thói quen tiêu dùng của người dân dần thay đổi, đến nay sản phẩm của Vinacafe đã có mặt ở các tỉnh phía Tây-Nam Trung Quốc, chuẩn bị cho kế hoạch tiến sâu vào thị trường này.
Trong số 192 DN tham gia CAEXPO 2010, có không ít DN cũng đã và đang triển khai thành công kế hoạch tiến sâu vào thị trường Trung Quốc cũng như các nước lân cận. Cty Sản xuất Giày dép Bình Tiên (Biti’s) đã “đặt chân” vào thị trường Trung Quốc từ rất sớm và đến nay đã phát triển được hơn 20 tổng đại lý và hơn 350 đại lý kinh doanh tiêu dùng tại hầu hết các tỉnh miền Tây - Nam Trung Quốc, có mặt ở cả thị trường khó tính như Bắc Kinh, Thượng Hải.
Theo ông Vưu Khải Thành - Chủ tịch Biti’s, công ty này đã và đang thực hiện chiến dịch “vết dầu loang” để tiến sâu vào thị trường này.
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương Việt Nam), tổng giá trị giao dịch của các DN Việt Nam tại CAEXPO 2010 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước, trong đó giá trị giao dịch của các DN chuyên sản xuất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ chiếm 40-50%.
Theo các DN, những nhóm mặt hàng được đối tác chú trọng và cũng là thế mạnh của Việt Nam là đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, lâm sản, nông sản thực phẩm, thủy hải sản… Tuy nhiên, muốn vào và đứng vững được ở thị trường Trung Quốc, các DN phải tạo được lợi thế riêng mang tính cạnh tranh cao, nhanh tay đăng ký bảo hộ thương hiệu nếu DN có ý định phát triển thị trường ra nước ngoài. Và với thị trường Trung Quốc, còn cần chú ý đến đặc điểm, tâm lý kinh doanh của thương nhân nước này.
Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Vinamit chọn cách đưa sản phẩm của mình tới khách hàng Trung Quốc trên những chuyến xe lửa tại Quảng Châu. Từ Quảng Châu, ông Viên cho quảng cáo sang Hong Kong, rồi đến Phúc Kiến, Quảng Tây. Cũng từ Quảng Châu, Vinamit đã phát triển hệ thống bán hàng ra Châu Hải, Quảng Đông và Thượng Hải… Hiện hầu hết các siêu thị tại những địa phương này đều có bán sản phẩm của Vinamit.
Hàng Việt về huyện Chợ Mới Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, từ 29 đến 31-10, Chương trình “Hàng Việt về nông thôn” sẽ được triển khai ở thị trấn Mỹ Luông (Chợ Mới, An Giang) với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp quảng bá và bán hàng. Đồng thời, có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng nông thôn và chỗ đứng của hàng hóa mình, người bán lẻ ở địa phương nâng cao khả năng kinh doanh, kết nối các kênh phân phối và giúp dân địa phương phân biệt hàng thật - giả. |