Hàng triệu tấn trái cây vào vụ thu hoạch: Xây dựng kịch bản để tiêu thụ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm mạnh, xuất khẩu rau quả lại trở thành điểm sáng. 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhóm hàng này ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với thực tế như hiện nay và áp lực thu hoạch, tiêu thụ gần 3 triệu tấn trái cây đang là khó khăn lớn của các vùng miền.

Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng trái cây hằng năm của Việt Nam đạt khoảng 12 triệu tấn; đến hết tháng 5, sản lượng trái cây cả nước đến vụ thu hoạch ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, chuối khoảng 460.000 tấn, sầu riêng 300.000 tấn, vải thiều 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn; vải 250 nghìn tấn…

Hàng triệu tấn trái cây vào vụ thu hoạch: Xây dựng kịch bản để tiêu thụ ảnh 1

Hơn 2,6 triệu tấn trái cây sắp đến vụ thu hoạch

Nguồn cung trái cây rất dồi dào đang tạo áp lực lớn về tiêu thụ. Nhiều loại trái cây đã bắt đầu có xu hướng giảm giá. Điển hình như giá sầu riêng Ri 6 tại vườn ở các tỉnh phía Nam, các thương lái đang thu mua khoảng 50.000-55.000 đồng/kg, giảm mạnh so với thời điểm cao nhất trong năm qua lên tới 180.000 -200.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Tiền Giang, giá bưởi da xanh giảm 6.000 đồng/kg xuống mức giá 24.000 đồng/kg; bưởi lông cổ cò giảm 3.000 đồng/kg xuống mức giá 13.000 đồng/kg. Cam các loại cũng giảm ở mức 2.000-3.000 đồng/kg. Chanh các loại giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước…

Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (TP.HCM) cho biết, DN của ông chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm trái cây sang thị trường Mỹ, Úc, châu Âu, Trung Đông theo đường hàng không và đường biển. Trong năm 2023, DN đã ký được nhiều đơn hàng với các đối tác. Tuy nhiên, mỗi thị trường đều có yêu cầu khác nhau.

Mỹ chỉ cho phép những loại trái cây nào mà Chính phủ 2 nước đồng ý cho xuất nhập khẩu. Với châu Âu, tất cả hàng hóa được xuất vào nhưng quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Trong khi đó, lượng trái cây của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thị trường còn thấp. “Điều này dẫn tới dư thừa, khó tiêu thụ khi vào chính vụ”, ông Thìn nói.

Khẩn trương lên kịch bản tiêu thụ

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods, năm 2022, rau củ quả chế biến của Việt Nam chiếm 1/3 lượng kim ngạch xuất khẩu. Trong quý 1 năm nay, tỷ lệ này tiếp tục giữ vững, cho thấy tiềm năng của xu hướng này còn rất lớn. Tuy nhiên, hiện tại, các DN đều gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn khi lãi suất ở mức cao, dẫn tới hạn chế trong đầu tư hệ thống lạnh và nhà máy chế biến.

Ông Hùng đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần kiến nghị cấp có thẩm quyền dành nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ DN nông nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả, giúp đa dạng đầu ra cho các sản phẩm.

“Khi đầu tư nhà máy, các cơ quan chức năng cần quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu”, ông Hùng cho hay.

Dù đánh giá trái cây Việt đang đối mặt nhiều áp lực song ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, năm nay xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn có cơ hội lớn khi nhu cầu tại một số thị trường vẫn cao.

“Kim ngạch xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 4 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn. Nhưng ngay từ thời điểm này, các địa phương và DN cần khẩn trương lên kế hoạch tiêu thụ và kết nối tìm kiếm thêm các thị trường mới, chuẩn bị các lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu”, ông Nguyên khuyến nghị.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, ở các tỉnh phía Bắc, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là vải, với sản lượng dao động 200 -250 nghìn tấn, tập trung ở Bắc Giang, Hải Dương… Hiện tại, riêng sản lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc đạt khoảng 100 - 120 nghìn tấn. “Với thị trường Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công hàm tới một số cơ quan của Nhật Bản đề nghị sớm cử chuyên gia sang làm việc với phía Việt Nam để giám sát xử lý vải thiều xuất khẩu. Còn với thị trường Mỹ, chúng tôi đã làm việc và thống nhất xây dựng trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội để hỗ trợ công tác xuất khẩu”, ông Trung cho hay.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.