Hàng trăm kiều bào về dự Xuân Quê hương

Hàng trăm kiều bào về dự Xuân Quê hương
TPO – Chiều nay (15-1), tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), hàng trăm kiều bào vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự chương trình Xuân Quê hương – Rồng thiêng hội tụ 2012.

> Hơn 1.000 kiều bào sẽ dự 'Xuân Quê hương 2012'

Các Kiều bào vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các Kiều bào vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Chương trình "Xuân Quê hương 2012" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.

Đây là hoạt động thường niên dành cho kiều bào về đón xuân mới tại Việt Nam, là dịp để tuyên truyền, vận động kiều bào hướng về Tổ quốc, đặc biệt trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2011 – 2015.

Vào lăng viến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Hàng trăm Kiều bào xúc động vào lăng viến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Chiều nay, đoàn kiều bào đặt vòng hoa viếng Lăng Bác; dâng hương tại Điện Kính thiên – Hoàng thành Thăng Long, tham quan khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Một cột; tái hiện Nghi lễ thả cá truyền thống tại ao cá Bác Hồ.

Vào 20h tối nay diễn ra đêm giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương” tại sân khấu khu vực Quảng trường Ba Đình, được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp.

Rất nhiều tiết mục đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, truyền tải không khí đón xuân mới ấm áp, rộn ràng trên khắp mọi miền đất nước với sự thể hiện của các ca sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng trong nước: Trọng Tấn, Quang Hào, Khánh Linh, Tấn Minh, Hồ Trung Dũng, Tiêu Châu Như Quỳnh, nhóm Cỏ lạ…; các nghệ sỹ người Việt Nam ở nước ngoài: Mạnh Đình, Giao Linh.

Ngoài ra, chương trình còn có một số tiết mục đặc biệt như phần trình diễn nghệ thuật vẽ tranh cát của họa sĩ Trí Đức, màn biểu diễn võ thuật của phái Lâm Sơn Động và tiểu phẩm hài “Táo quân vui” của nghệ sĩ Minh Vượng, Đức Khuê.

Các Kiều bào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Các Kiều bào chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, Liên hoan tất niên Tết được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, đem đến cho bà con kiều bào không khí Tết mang đậm phong vị cổ truyền Việt Nam.

Việt Kiều Mai Ngọc Yên, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam ở Béc Lin, CHLB Đức chia sẻ, dù ở xa nhưng ông lúc nào cũng nhớ về quê hương, đặc biệt là Tết Nguyên Đán.

“Chúng tôi luôn luôn hướng về tổ quốc, dù ở nơi nào trên thế giới đều nói tiếng Việt, ăn cơm bằng bát và đũa, dạy bảo con cái luôn luôn ghi nhớ truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn nề nếp gia phong của tổ tiên”.

Ông Yên cho biết, cách đây hai tháng, hội cựu chiến binh Việt Nam ở Đức đã quên góp ủng hộ 120 triệu đồng cho các chiến sĩ hải quân ở Trường Sa, ủng hộ 15 triệu đồng cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam ở Đà Nẵng.

Trong khi đó, em Diệp – một du học sinh lần đầu tiên được vào lăng viếng Bác, tham dự chương trình Xuân Quê hương 2012, em cảm thấy rất bồi hồi, xúc động.

Họa sĩ Văn Dương Thành - Việt kiều Thụy Điển. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Họa sĩ Văn Dương Thành - Việt kiều Thụy Điển. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Văn Dương Thành - một trong những hoạ sỹ nổi tiếng của Châu Á, sống và làm việc ở Stockholm - Thuỵ Điển và Việt Nam. Họa sĩ Thành cho biết, bốn năm nay, bà đã chuyển về Việt Nam sinh sống, cứ ba đến bốn tháng lại sang Thụy Điển dạy học. Tại Việt Nam, bà đã xây dựng một ngôi trường tình thương ở phố Hoàng Tôn (Hà Nội) để dạy vẽ và tiếng Anh cho trẻ bị khiếm thính.

Năm 2012, họa sĩ Thành chuẩn bị hai bức tranh khổ rộng 1m trao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức bán đấu giá gây quỹ tặng cho trẻ em nghèo, trẻ tàn tật ở quê nhà. Ngày 12-1 vừa qua, họa sĩ Thành đã được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao khai mạc một phòng tranh có tên “Năm Thìn và Trống đồng”, thể hiện nguồn cảm hứng lịch sử, tiếp nối truyền thống cha ông trong năm Nhâm Thìn.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.