Ngày 15/9, Bộ Công Thương đã tổ chức họp với lãnh đạo nhiều đơn vị liên quan nhằm tìm ra nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan trong thời gian qua, khắc phục tình trạng nhập siêu, hướng tới mục tiêu cân bằng hơn trao đổi thương mại giữa hai nước.
Theo bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ châu Á, châu Phi, trong 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỷ USD. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan có 22 mặt hàng trong nước sản xuất được. Đáng chú ý, năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan trong 8 tháng đầu năm 2017, góp phần lớn vào giá trị nhập siêu nhiều nhất là hàng điện gia dụng và linh kiện, rau quả, ô tô nguyên chiếc, xăng dầu các loại, chất dẻo nguyên liệu và linh kiện phụ tùng ô tô.
Theo lãnh đạo Vụ châu Á, châu Phi, nhập siêu tăng mạnh do Thái Lan đã xây dựng được nền công nghiệp chế biến trong nước có năng lực cạnh tranh cao, giá cả tốt. Việc các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Central Group, TCC Group đã tiến hành mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam thời gian qua và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. Cùng đó, tâm lý chuộng hàng Thái và lộ trình giảm thuế theo cam kết AGITA đã thúc đẩy nhập khẩu gia tăng mạnh. Để hạn chế nhập khẩu, theo bà Oanh, với nhóm hàng ôtô cần có biện pháp tính thuế, nhóm linh kiện kiểm soát nghiêm việc tiêu thụ hàng giả và xem xét biện pháp phòng vệ thương mại với thép nhập khẩu.
Cần có cơ chế tiền kiểm để kiểm soát việc tập trung kinh tế quá mức là lưu ý của Phó Cục trưởng Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng, ông Nguyễn Anh Tuấn khi nói về sự gia tăng thị phần của các doanh nghiệp Thái Lan. Số liệu từ các cơ quan chức năng cho thấy, bên cạnh việc nhập siêu, tại một số thị trường như Vĩnh Phúc, Hà Nội thị phần của các doanh nghiệp Thái Lan tương đối lớn (trên 40%). Đây là vấn đề cần lưu ý do ban đầu tại các thị trường này, các doanh nghiệp Thái Lan không hiện diện nhưng sau khi mua lại các doanh nghiệp khác thì thị phần họ tăng lên. Bộ Công Thương sẽ xây dựng để kiểm soát việc này và dự kiến Luật Cạnh tranh khi có hiệu lực sẽ đảm bảo tính cạnh tranh của hàng hóa.
“Về cấu trúc thị trường bán lẻ, số liệu thị trường của Việt Nam còn chưa thống nhất, hiện một số thị trường đã ở ngưỡng kiểm soát. Vụ đã làm với Hiệp hội Bán lẻ để làm rõ việc BigC có cản trở việc đưa hàng Thái Lan hay không nhưng chưa có phản hồi và thông tin phản ánh. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có phản ánh BigC có cản trở hàng hóa trong nước thì qua công cụ hậu kiểm của luật cạnh tranh sẽ có giải pháp xử lý”, ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Nguyễn Duy Đông cho hay, sau hơn 10 năm gia nhập WTO rất nhiều đại gia bán lẻ ngoại đã vào Việt Nam và phát triển khá nhanh. Thời gian tới việc xem xét lại quy chế cấp phép cho hệ thống bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam cần tính toán cụ thể. Ông Đông cũng cho hay, tại một số chợ đầu mối thời gian qua đã có hình bóng người Thái đứng sau để điều hành và thu gom hàng hóa.
Về việc hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều hơn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cần khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới. Ngoài ra, ở góc độ quản lý, không chỉ nhìn ở việc kiểm soát nhập khẩu bằng mọi giá mà cần nhìn một cách tổng thể, từ năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần nhìn 2 chiều và có thể chấp nhận nhập siêu ở mặt hàng này nhưng xuất siêu mặt hàng khác vì đây là quy luật của thị trường.
“Không thể như bóng đá, cứ nhìn thấy Thái Lan là thua tiếp, do vậy năng lực cạnh tranh cần được cải thiện. Nhiều dòng thuế đã được giảm từ 2005 nhưng chúng ta chưa tận dụng được và không có giải pháp sẽ bỏ lỡ trong giai đoạn tới”, ông Tuấn Anh nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc quản lý hàng hóa nhập khẩu từ các nước và Thái Lan nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nhập khẩu và hiệu quả nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy đàm phán để Thái Lan tiếp tục mở của thị trường cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tTại thị trường trong nước, để có thể khẳng định chất lượng hàng Việt và có được niềm tin của người tiêu dùng, chính các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đưa ra các sản phẩm đáng ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã với giá thành cạnh tranh để có thể cạnh tranh được với hàng Thái Lan.
Đối với nông sản, trái cây, cần tập trung xây dựng vùng quy hoạch, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm trái cây Việt Nam có chất lượng tốt và đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ công tác quảng bá, chỉ dẫn địa lý sản phẩm; từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch và hữu cơ.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2009-2016, nhập khẩu từ Thái Lan tăng trung bình 10,1%/năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng trung bình 16,5%/năm. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Thái Lan cũng có xu hướng chậm lại với tốc độ tăng khoảng 6,8%/năm, nhập siêu tăng từ 3,25 tỷ USD năm 2009 lên 5,16 tỷ USD năm 2016.