Giá tăng từng ngày
Tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), giá các mặt hàng miến, nấm hương, măng, mộc nhĩ… tăng từng ngày. Cụ thể, măng khô tăng lên 250.000 đồng/kg, miến loại ngon tăng lên 180.000 đồng/kg, nấm hương rừng 330.000 đồng/kg, mộc nhĩ 200.000 đồng/kg.
Không chỉ hàng khô, đồ tươi sống như thịt bò, gà, hải sản, giò, chả… giá cũng tăng theo. Tại cửa hàng giò chả nổi tiếng trên đường Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội), mỗi kg giò, chả tăng 50.000- 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giò lụa lên giá 250.000 đồng/kg, giò bò: 350.000 đồng/kg…
Để bảo đảm không thiếu hàng, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị phương án bảo đảm hàng hóa, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19. “Trong trường hợp cần thiết, khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, có thể sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện sẵn sàng bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu…”, bà Lan nói.
Trong bối cảnh Hà Nội nâng cấp độ phòng dịch ở nhiều khu vực, một số chợ Thủ đô bị “căng dây” vì liên quan ca nhiễm COVID-19, tiểu thương bán tạp hoá không khỏi lo lắng cho vụ hàng cuối năm. “Không ôm hàng thì không có hàng bán, giá mùa Tết tăng từng ngày. Ôm hàng thì lo dính phải F0, nếu phải đóng cửa, đi cách ly thì xoay xở ra sao. Các năm trước mình thường ôm bia sớm vì có khuyến mại, bày đẹp cửa hàng, nhưng năm nay phải thay đổi suy nghĩ”, chị Phạm Huệ (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các siêu thị lớn, lượng hàng dồi dào. Tuy nhiên, các mặt hàng bánh kẹo cũng tăng giá do biến động của giá xăng dầu cũng như dịch bệnh trong thời gian vừa qua. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc hệ thống siêu thị Coopmart Hà Đông cho biết, hàng hóa phục vụ Tết 2022 luôn dồi dào bởi siêu thị tận dụng nhiều mặt bằng trống để dự trữ hàng gấp đôi so với năm ngoái. Theo bà Dung, nhiều mặt hàng tết tăng giá như bánh, kẹo, đồ khô… so với năm ngoái nhưng mức tăng không nhiều. “Năm nay, ngoài việc siêu thị bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp đẩy mạnh kênh bán hàng điện tử như mạng xã hội, zalo, đường dây nóng. Chúng tôi miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng”, bà Dung nói.
Đại diện phía siêu thị Big C cho biết, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nhâm Dần của doanh nghiệp dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống.
Sản phẩm trong nước tự tin cạnh tranh
Năm nay, dâu tây Sơn La xuất hiện tại nhiều siêu thị và cửa hàng hoa quả sạch tại Hà Nội. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chị Nguyễn Thị Lương - Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Dâu tây Sơn La cho biết, dâu Sơn La giống của Nhật, hái vào buổi sáng, sau đó chuyển xuống kho Hà Nội và phân phối ở tất cả hệ thống, đảm bảo không quá 18 tiếng sau khi hái là quả dâu đã nằm trên kệ các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, đảm bảo được độ tươi cho khách làm quà biếu tặng vào dịp Tết Nguyên đán.
“Quả dâu khi hái đạt độ chín trên 90%, rất cạnh tranh về chất lượng so với các sản phẩm nhập khẩu. Hiện tại, Liên hiệp Hợp tác xã Dâu tây Sơn La có tổng diện tích khoảng 50 ha, sản lượng năm nay cao hơn gấp đôi năm ngoái, ở mức 750 tấn/vụ, kéo dài từ đầu tháng 12 đến giữa tháng 5 năm sau. Chúng tôi tự tin dâu tây Sơn La cạnh tranh với dâu tây Hàn Quốc ngay tại thị trường Việt mình”, bà Lương nói.
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2022, quyền Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở phối hợp với các địa phương như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đưa nguồn hàng của các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gồm gạo, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi; các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết gồm bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát; hoa tươi, đồ may mặc, điện máy.