Theo kế hoạch, trong các ngày 15,16/1/2021, thành phố Thanh Hóa đã đồng loạt triển khai kế hoạch diệt chuột bằng thuốc vi sinh Biorat. Việc đặt thuốc diệt chuột được thực hiện ở các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị công sở, trường học, bệnh viện, nông trại, trang trại, các khu công nghiệp… trên địa bàn.
UBND thành phố Thanh Hóa triển khai kế hoạch diệt chuột năm 2021, trong đó có sử dụng sản phẩm đã bị Bộ NN&PTNT cấm lưu hành.
Điều đáng nói, sản phẩm thuốc diệt chuột sinh học Biorat đã bị Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ NN&PTNT rút giấy phép với lý do đây là sản phẩm có chứa vi khuẩn Salmonella enteritidis, chưa đảm bảo an toàn với con người và động vật máu nóng.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Thanh Hóa xác nhận, đúng là sản phẩm Biorat đã hết hạn lưu hành. Tuy nhiên, bà Nga giải thích thêm: Biorat có hai thành phần, gồm Warfarin và Salmonella enteritidis nằm trong danh mục 8 hoạt chất được Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT (Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, không được phép sử dụng) cho phép sử dụng. Chỉ cấm đối với những thuốc có hợp chất của Tali (Talium Compond TI) và Biorat không có hợp chất này.
Bà Nga cho hay, thuốc Biorat đang được công ty sản xuất xin gia hạn lưu hành. Cũng theo bà Nga, thành phố Thanh Hóa đã dùng sản phẩm diệt chuột Biorat nhiều năm nay. Dù chưa có đánh giá tác động môi trường nhưng về cơ bản vẫn an toàn, chưa có phản hồi về ảnh hưởng xấu do thuốc này.
Về câu hỏi, việc mua Biorat có qua đấu thầu hay không, bà Nga cho biết: Sản phẩm này không thực hiện đấu thầu, vì không sử dụng ngân sách, người dân tự đóng góp tiền mua. Sau khi UBND thành phố có chỉ đạo, các xã trực tiếp đặt hàng.
Trao đổi với PV, Trưởng phòng Y tế thành phố Thanh Hóa Lê Văn Hùng cho biết, chiến dịch diệt chuột năm 2021 tại thành phố Thanh Hóa cơ bản đã hoàn thành. Mỗi năm thành phố Thanh Hóa sử dụng khoảng 7 – 8 tấn (năm cao điểm lên tới 16 tấn) thuốc Biorat cho chiến dịch diệt chuột. Sản phẩm này do Công ty Nông Thương (có văn phòng ở Thanh Hóa) cung cấp. Thuốc Biorat được trộn vào hạt lúa rồi rắc vào những nơi chuột thường qua lại, chỉ gây bệnh đến chuột, không ảnh hưởng đến các động vật khác. Việc triển khai mua thuốc diệt chuột được thực hiện theo hình thức xã hội hóa (tức là các xã chủ động đặt lượng thuốc, tiền được chuyển lên các trung tâm y tế để trả trực tiếp cho công ty).
Sản phẩm thuốc diệt chuột sinh học Biorat do Công ty TNHH LABIOFAM Việt Nam sản xuất tại Trà Nóc (Cần Thơ). Biorat có giá trên thị trường khoảng 300.000 đồng/kg. Như thế, mỗi năm, thành phố Thanh Hóa đang dùng hàng tỷ đồng cho chiến dịch diệt chuột.
Ngoài ra, tại danh mục thuốc được cấp phép sử dụng trong Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT (Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, không được phép sử dụng) không thấy có sản phẩm Biorat.
Vào tháng 6/2018, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay: Các kết quả của các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thử nghiệm bằng đường miệng vi khuẩn Salmonella enteritidis dòng Danysz, lysine (-) phage type 6 không thể hiện bất kỳ tác dụng gây bệnh ở người. Các kết quả thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh BIORAT chỉ gây nhiễm đối với chuột và hoàn toàn vô hại với môi trường, con người và các loài động vật khác.
Tuy nhiên, Cục Bảo vệ Thực vật cho rằng việc rút giấy phép đăng ký sản phẩm Biorat vì có chứa vi khuẩn Salmonella và được căn cứ trên Điều 49 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Điều 6 Thông tư 21 ngày 8/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Cơ quan này cho rằng, các tài liệu nghiên cứu và các công bố của tổ chức quốc tế đã đánh giá về nguy cơ và khuyến cáo không thương mại đối với các sản phẩm có chứa vi khuẩn Salmonella enteritidis; các tài liệu mà công ty LABIOFAM cung cấp hồi đầu tháng 5/2018 về tình hình sử dụng sản phẩm Biorat tại Việt Nam theo Cục Bảo vệ Thực vật là chưa đủ căn cứ để khẳng định sản phẩm có chứa Salmonella enteritidis là đảm bảo an toàn với con người và động vật máu nóng.
“Do đó, việc căn cứ vào các nghiên cứu và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về việc không sử dụng các sản phẩm trừ chuột có chứa vi khuẩn Salmonella enteritidis là hoàn toàn phù hợp”, Cục Bảo vệ Thực vật nhấn mạnh.