Chuyện nhặt trên đường Trường Sơn

Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô

Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô
TP- Thắp hương xong, bên ngách Hang Tám Cô, tôi tỉ mẩn đọc lại tấm bia đá. Nơi đây, ngày 14 tháng 11 năm 1972, máy bay Mỹ đã ném bom làm sập cửa hang...

>>Kỳ trước

Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô

Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô ảnh 1
Trước bia tưởng niệm bên Hang Tám Cô

Tám Liệt sĩ Thanh niên xung phong và 5 chiến sĩ pháo binh.

Tám TNXP là.1. Nguyễn Văn Huệ sinh năm 1952, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 2. Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1954, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 3. Nguyễn Mậu Kỹ, sinh năm 1935, Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 4. Hoàng Văn Vụ, sinh năm 1953, Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, 5. Trần Thị Tơ, sinh năm 1954, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 6. Lê Thị Mai, sinh 1952, Hoằng Thịnh, Hoằng Hoá, Thanh Hóa. 7. Đỗ Thị Loan, sinh 1952, Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 8. Lê Thị Lương, sinh năm 1953, Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Năm liệt sĩ pháo binh đó là

1. Mai Đức Hùng, sinh 1952, Hải Giang, Hải Hậu, Nam Hà. 2. Đinh Công Đính, sinh 1953, Hải Tây, Hải Hậu, Nam Hà. 3. Nguyễn Văn Quận, sinh 1952 Vĩnh Lực, Sơn Dương, Tuyên Quang. 4. Sầm Văn Mắc, sinh 1952 Thôn Vạch, Cam Đường, Lao Cai. 5. Nguyễn Văn Thưởng, sinh 1954, Yên Định, Vỵ Xuyên, Hà Giang.

(Di tích thuộc hệ thống Di tích lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh được Bộ VHTT xếp hạng tại QĐ số 236/ VHQĐ ngày 22 tháng 12 năm 1988)

Rời mắt khỏi tấm bia, tôi ngạc nhiên xen chút bàng hoàng. Trước nay vẫn cứ băn khoăn một bài báo có viết rằng, trong những tiếng kêu tuyệt vọng khốn cùng phát ra từ trong hang ngoài từ Mẹ ơi... còn có tiếng Mế ơi, Bầm ơi... Dân Thanh Hóa không dùng từ Bầm và Mế để thay cho Mẹ. Thì ra bây giờ mới vỡ ra cái lẽ, trong 5 chiến sĩ pháo binh cùng hy sinh với 8 TNXP người Thanh Hóa ấy có người dân tộc Tày, có người quê ở mạn Trung du!

Và số TNXP hy sinh trong hang là 4 cô, không phải 8! Tơ, Mai, Loan, Lương. Bia ghi rành rành thế. Hang Tám Cô. Hang Tám Cô... Tự bao giờ đã gọi thế rồi?

Tính cách người Quảng Bình vốn cẩn thận chặt chẽ thậm chí quyết liệt cả trong cách nghĩ nhưng từ bấy đến nay có ý kiến nào phản bác đòi đặt lại tên thành Hang Bốn Cô đâu? Đòi hỏi chính xác chuẩn mực đến như cả các cột cây số trên đường 20 Quyết Thắng đều ghi rõ thế!

Hình như trước nay đã không ít sự nhầm lẫn về lịch sử nhưng dân gian bao dung lẫn công bằng đã làm cái việc sắp xếp ổn thỏa? Sự cảm thương bao la của dân mình trước những tấm gương  bỏ mình vì nuớc, những Hồn Trinh Nữ Tiết Liệt vì đại nghĩa của dân tộc đã cho phép ngắn gọn lẫn cô đọng mà không hề đôi hồi phân vân Hang Tám Cô thay vì Hang Bốn Cô và 5 Liệt sĩ pháo binh! 

Những người phụ nữ làm nghề buôn bán kinh doanh mà có nhiều người từ phía Bắc vào, từ phía Nam ra, mỗi dịp Lễ trọng Giêng Hai hay mùa xuân, họ cất công đến tận Hang Tám Cô này thắp hương sì sụp khấn vái hay cầu may chi không biết, há lại không một lần đọc bia?

Với họ, phàm chết trẻ là thương là thiêng là thành bậc cô hết rồi còn gì! Cùng với thời gian, một địa chỉ chiến tranh, một địa chỉ đạn bom đã trở thành tâm linh của nước Việt, của người Việt.

Sau chuyến xuyên Việt bằng đường Hồ Chí Minh về, tôi được biết thêm nhiều ngành đang có một chương trình khá hoành tráng vào năm tới để kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Riêng ông em ruột của nhà văn Nguyễn Quang Lập là nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh vừa có kiểu kỷ niệm 35 năm ngày hi sinh của 13 liệt sĩ tại Hang Tám Cô đường 20 Quyết thắng - Quảng Bình theo cách riêng của mình. Kịch bản Hồn Trinh Nữ do Nguyễn Quang Vinh viết đã được các Đoàn kịch Lam Sơn – Thanh Hóa, Quân đội Nhân dân, Đoàn chèo Hải Phòng, Nhà hát kịch Huế  dàn dựng.

Nhà tưởng niệm Tám TNXP và 5 Liệt sĩ pháo binh được xây mấy năm nay thuộc diện quản lý của Khu Di tích Phong Nha. Nghe đâu lúc đầu cũng chỉ dựng một cái miếu nho nhỏ nhưng sau có ý rằng hàng trăm liệt sĩ bộ đội và TNXP đã bỏ mình vì con đường huyền thoại này nên xây rộng hơn một tý. Vừa là chỗ thờ cúng linh hồn Liệt sĩ có tên đền Di tích Đường 20 Quyết Thắng vừa làm nơi dừng chân cho khách bộ hành ngược xuôi.

Tôi bắt chuyện với Ngọc, nhân viên nhà tưởng niệm trông coi khu này đã được ít năm, người còn trẻ mà đã trông có cái dáng lừ đừ chững chạc của một ông từ! Tôi chả dám nghĩ cái Đền này là nơi tiếp linh, là nơi dẫn vong hồn các Liệt sĩ nhưng hình như ở lâu nơi linh thiêng này con người ta nó có chi ám vào thì phải (!?). 

Ngó cung cách của Ngọc bất giác liên tưởng đến vẻ u ẩn từ ánh mắt giọng nói của mấy nhân viên trông coi Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, ánh mắt của người coi sóc phần âm mà năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua thắp hương ở Nghĩa trang nhận thấy kỳ lắm và trong chuyến đi đó ông đã quyết định nâng mức phụ cấp mà ông cho là độc hại đối với anh em quản trang!

Và nữa trong câu chuyện của Ngọc khiến tôi nghe xong phải hấp tấp hỏi rằng Ngọc có bà con hay anh em họ hàng chi không với mấy anh bên quản trang Liệt sĩ Trường Sơn? Ngọc nói không có...

Nghĩa trang Trường Sơn tít ngoài Quảng Trị còn đây là đất Quảng Bình giáp Lào!

Câu chuyện Ngọc kể vào những đêm trăng thanh hay mù kéo về giăng đặc khắp khu vực ki lô mét 16 này, thi thoảng Ngọc và hai người nữa ở đây vẫn nghe văng vẳng có tiếng hát. Tiếng hát câu được câu chăng của hành khúc Trường Sơn một thuở một thời Anh vẫn hành quân. Trên đỉnh Trường Sơn ta hát... Lẫn với tiếng hô thể dục một, hai, ba, bốn...

Lúc đầu thì dựng tóc gáy, nhưng sau cũng quen dần. Mà tiếng hát lẫn tiếng hô ấy cũng có ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mà anh em quản trang năm 1992 có kể cho tôi nghe? Mà cũng thời điểm sáng giăng và cũng mây mù?

Xin chớ vội riệt cho tôi tội truyền bá mê tín dị đoan, nhưng là chuyện nghe được nhặt được trong hai lần xuyên Việt nên cũng mạo muội mà chép ra đây để những bạn đọc cứng vía rộng đường mà coi xét!

Ngọc dẫn tôi ra chỗ mé bên phải của Đền rồi chỉ cho tôi một cái gốc cây tày non một vòng ôm. Kiểu đã sần sùi bạnh ra những mấu như thế này chắc cái giống thụ mộc này tuổi đã khơ khớ? Ngọc hỏi tôi coi gốc cây có chi lạ? Tôi ngó kỹ không biết đây là thứ cây gì, ngước lên ngọn thấy hai thứ lá khác kiểu giao nhau nhưng lạ thì hẳn, bởi gốc của cây xoắn bện với nhau rất lạ mắt... Ngọc cho biết cái cây này là vật chứng duy nhất còn sót lại thời Hang Tám Cô bị bom đè sập.

Quanh hang, cây rừng các loại dày như thế nhưng đã bị các loại bom phát quang sạch bách. Nhưng mé bên phải hang không biết bằng cách nào hai gốc mọc liền nhau là lim xanh và si rừng này mấy bận oặt đi vì bom nhưng rồi vẫn gượng được lại xanh tốt đến bây giờ! Ngọc cho hay, nghe một số người từng ở khu vực này kể lại, hai gốc cây đó mọc sát nhau đã lâu nhưng chưa giao lại và quấn lấy nhau.

Sau cái chết của 13 TNXP và 5 chiến sĩ pháo binh, bắt đầu sang năm 1973, yên hàn trở lại hai gốc lim xanh và si rừng này bện lại với nhau lúc nào không ai hay! Qua bao năm tháng ngàn bận nắng mưa bão gió, những vòng bện xoắn ấy càng quấn quýt.

Anh em ở đây gọi là mối tình giữa lim xanh và si rừng rồi không ngần ngại gọi gốc thụ mộc này là cây tình yêu! Chao ôi, cái giống thụ mộc mọc sát nhau dẫn đến chuyện xâm thực nhau với hình hài lạ mắt như thứ lim xanh si rừng kia thì có chi lạ bởi mình nhiều bận tận mắt thấy những gốc đa hàng trăm năm tuổi nhưng chồi lên và xuyên ngang thân cụ đa là một thứ cây khác cùng song song tồn tại như thế đã hằng bao năm! Nhưng ở vào cái thế đất đạn bom bời bời như rứa.

Mọc rồi giao nhau tốt tươi ở một thung thổ mà quần tụ hàng trăm linh hồn trẻ trung mãi mãi tuổi hai mươi, mà hầu như tất thảy chưa một lần vướng bận thiên chức yêu đương với sinh nở thì cái giống thụ mộc kia tôi dám chắc không thể là vô tình được. Vậy nên tên đặt cho thứ thụ mộc đang xoắn bện kia là cây tình yêu là chí lý lắm thay! 

Có một tấm bia lớn dựng ở góc nhà tưởng niệm trên vạc những dòng như thế này của một nhân sĩ (nghe đâu ông nhân sĩ này đã từng viết nhiều văn bia dựng khắp nơi trong nước) Đường 20 một Miếu khang trang/ Đỉnh Quyết Thắng trăm cờ khánh tiết/ Tưởng niệm những anh hùng xót thương bao nghĩa liệt/ Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi trường tồn vv...

Anh bạn đồng nghiệp mới đọc lướt mấy dòng đã thở dài, thay vì những lời to tát choang choang kia nên mộc mạc đơn sơ nhưng sẽ nhói lòng bao thế hệ mai sau bằng ngay chính tiếng kêu tuyệt vọng của các cô trong những ngày bi thương hấp hối ấy Mẹ ơi, Bầm ơi cứu con. Các anh ơi cứu chúng em với...

Không hiểu sao với tôi khi rời những nơi thiêng bao giờ cũng váng vất một cảm giác tiếc xót thế nào? Tỷ như trên đường trở ra Xuân Sơn, Tuấn (người dẫn đường) chỉ cho tôi vào khoảng xanh ngằn ngặt của đại ngàn bên đường 20 Quyết Thắng rằng hồi còn nhỏ (nhỏ với Tuấn là non mươi năm nay chứ mấy?) thi thoảng Tuấn và đám bạn vào sâu dọc đường 20 Quyết Thắng chơi.

Tình cờ mà Tuấn và mấy đứa đã phát hiện không xa trục đường chính có những chiếc xe Hồng Hà Giải Phóng đã gỉ sét. Những chiếc xe gạt chỉ còn trơ lại cái gạt với bánh xích. Rồi thảng hoặc có những cái võng giăng lưng chừng trời nhưng trèo lên đụng vào tự dưng tơi tả như bột vv... Những câu chuyện thám hiểm trẻ con không đầu không cuối, nửa kín nửa hở chỉ chuốc lấy lời la mắng của người lớn rằng ai biểu mi mò vô đó đụng phải bom phải đạn tan xác có ngày nhưng lại vô tình mách cho người khác một mối lợi.

Người ta mò tìm đến những nơi bọn trẻ đã thám thính và đi sâu nữa, tìm rộng ra xung quanh nữa... Việc mò tìm ấy là kiên nhẫn lắm và hầu như không ngưng nghỉ. Để đến cách đây ít năm thôi, khi phong trào lùng mua lùng bán sắt thép phế tạm kết thúc thì dọc đường 20 Quyết Thắng đã bị quét sạch bách các loại hiện vật ngõ hầu mai kia có thể dựng nên một thứ Bảo tàng sống gợi lại một thời máu lửa khi thi công đường 20 Quyết Thắng này!

Cứ váng vất mãi cái võng chăng ngang tầm người ngày ấy mà đã nhổng lên lưng chừng trời. Thời gian ôi là thời gian!

Kỳ sau: Ông Cựu Phó Thủ tướng và cây cọc rào

MỚI - NÓNG