Hàng siêu thị đội giá do gánh nhiều phí

Hàng siêu thị đội giá do gánh nhiều phí
TP - Theo tiết lộ của một nhà cung cấp hàng hóa cho các siêu thị lớn có trụ sở tại TPHCM, để đưa được hàng vào các siêu thị lớn tại Hà Nội, các nhà sản xuất, nhà cung cấp phải chi nhiều khoản “quy định phí” lên tới hàng chục triệu đồng do nhà phân phối là các siêu thị đặt ra.

> Hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải đăng ký xuất xứ
> Tăng mạnh thuế với hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu

Ví dụ, khi doanh nghiệp đưa một nhãn hàng vào siêu thị, phải trả cho siêu thị 5 triệu đồng chi phí tạo mã nhà cung cấp mới. Khi thay đổi nhà phân phối hàng hóa hoặc thay đổi mã số-mã vạch, cũng phải trả cho siêu thị 2,5 triệu đồng/lần thay đổi. Ngoài ra, nhà cung cấp luôn bị ép phải tuân thủ các mức chiết khấu do các siêu thị đưa ra cùng một loạt các khoản phí không tên khác.

Nhà cung cấp cũng phải chi các khoản khác như chiết khấu quý cho trung tâm thu mua với tỷ lệ 1,5%, chiết khấu quý cho từng siêu thị là 4%. Nếu doanh thu một nhãn hàng đạt trên 800 triệu đồng/năm thì nhà sản xuất phải chịu chiết khấu 1,5%”- Đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Đại diện một doanh nghiệp cung cấp hàng thực phẩm cũng cho biết, có siêu thị đặt ra quy định mỗi khi đại diện của siêu thị xuống đơn vị cung cấp để kiểm tra tuân thủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm thì doanh nghiệp phải hỗ trợ họ 6,5 triệu đồng.

Bên lề Hội thảo Hệ thống bán lẻ hiện đại Hà Nội hướng tới bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng do Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức ngày 29-6, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc BigC Thăng Long, cho rằng các khoản phí này là do phải chia sẻ cùng với BigC về chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm hàng hóa bán tại siêu thị.

Hiện doanh nghiệp đang thuê các đơn vị kiểm định quốc tế độc lập như Intertek (Mỹ) hay SJS nên mặt bằng giá thẩm định cao hơn. Việc phải trả chi phí cao này có mục đích cao hơn là đảm bảo chất lượng hàng hóa được phân phối tại siêu thị BigC và người tiêu dùng mua hàng có quyền đòi hỏi hàng hóa mua tại đây phải được đảm bảo chất lượng.

Về việc chi phí hàng hóa bị đẩy lên cao và nhà sản xuất luôn bị lép vế, theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, là do các doanh nghiệp đang có nhiều yếu điểm như vốn ít và tính chuyên nghiệp chưa có, thiếu liên kết bán lẻ với nhau và nguồn nhân lực chưa cao.

Làm siêu thị lãi hơn sản xuất

Lãnh đạo một doanh nghiệp sữa cho biết, với giá thu mua 1 lít sữa hiện ở mức 13.500 đồng – 14.000 đồng như hiện nay, sau khi cộng các chi phí, mỗi hộp sữa loại 110ml bán ra doanh nghiệp chỉ lãi khoảng 2%.

Với mặt hàng sữa chua và sữa thanh trùng nhà sản xuất chỉ đạt được lợi nhuận ở mức từ 7% đến 10%, còn với sữa bột thì có thể đạt mức trên 20%.

Mức giá bán bình quân mỗi hộp sữa 180ml của doanh nghiệp cho siêu thị vào khoảng 5.000 -5.500 đồng/hộp.

Với mức giá mua vào này, siêu thị bán lại với giá 6.200 – 6.500 đồng/hộp. Ngoài việc ăn giá chênh từ người tiêu dùng, siêu thị còn ăn của doanh nghiệp sản xuất từ 6%-6,5% trên tổng doanh thu bán hàng, qua hình thức thu chiết khấu quý, cộng với chiết khấu cho từng siêu thị và chiết khấu theo doanh số cùng các khoản thu khác, thì mức thu cũng như lợi nhuận của các siêu thị cao hơn nhiều so với các nhà sản xuất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG