Vỉa hè bị chiếm dụng
Tại Hà Nội, nhiều lần lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự vỉa hè. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại nhiều tuyến phố tái diễn. Nhiều số nhà ở dãy phố Chùa Bộc (Đống Đa) xe máy dựng thành hàng dài, chiếm hết vỉa hè, sinh viên trường Học viện Ngân hàng và người dân xung quanh không có lối đi, phải tràn xuống lòng đường.
Còn phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) tràn ngập sản phẩm trang trí chuẩn bị cho Giáng sinh và năm mới. Từ đầu đến cuối con phố, các hộ kinh doanh biến vỉa hè thành không gian kinh doanh. Phương tiện, người đi bộ phải len lỏi trong không gian chật hẹp giữa lòng đường. Tại ngã tư Hàng Ngang nối Hàng Bạc, cơ quan chức năng dựng rất nhiều biển bảng có nội dung Tuyến phố văn minh đô thị không kinh doanh hàng hóa, để xe máy, xe đạp trên hè phố. Nhưng từng hàng dài xe máy, hàng hóa choán hết vỉa hè, du khách nước ngoài phải nhìn trước nhìn sau, và không còn cách nào hơn là tràn xuống lòng đường.
Rất nhiều tuyến phố khác như Nguyễn Trãi, Sơn Tây, Tôn Đức Thắng…, vỉa hè cũng trở thành bãi giữ xe, tập kết, trưng bày hàng hóa. Một số cơ sở kinh doanh tận dụng cả không gian dưới lòng đường để nấu nướng khiến không gian giao thông trở nên bức bối.
Ông Nguyễn Thanh Hữu (du khách Đà Nẵng) cho biết: Vỉa hè tại khu phố cổ rất nhỏ còn bị chiếm dụng để kinh doanh là không hợp lý. Nơi nhiều du khách trong nước hay nước ngoài đến tham quan cần phải chấn chỉnh việc này. Người đi bộ đang đi trên vỉa hè gặp bãi trông giữ xe máy lại phải vòng xuống lòng đường rất nguy hiểm”, ông Hữu nói.
Chiến dịch đòi lại vỉa hè thất bại
Chiến dịch giành lại vỉa hè ở thành phố Hà Nội được triển khai từ tháng 3/2017. Mặc dù chiến dịch được theo dõi sát sao và quyết liệt nhưng trên đường phố Thủ đô còn nhiều điểm vỉa hè, phần đường của người đi bộ bị lấn chiếm. Bà Trần Thanh Thảo (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho biết: Nhà bà ở đường Nguyễn Trãi, thời gian gần đây nhiều hộ gia đình sát ngã ba Nguyễn Trãi nối Lương Thế Vinh kinh doanh quần áo, mỹ phẩm lấn chiếm hết lối đi của người đi bộ. “Không còn vỉa hè, người đi bộ phải vòng xuống lòng đường. Vào giờ cao điểm, nhiều xe máy còn đi ngược chiều rất nguy hiểm. Đã có một số vụ va chạm liên quan đến việc người đi bộ đi xuống lòng đường”, bà Thảo nói.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông (có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội) cho rằng: Việc lập lại trật tự vỉa hè cần phải làm bài bản, cương quyết, dứt khoát, giải thích rõ cho người dân và phải có hệ thống camera giám sát thường xuyên. Theo Tiến sỹ Thủy, tại Hà Nội hay TPHCM, việc thiếu quy hoạch, do lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân biến các khu đất trống, đất “vàng”, các bãi đỗ xe thành nhà cao tầng, siêu thị. Trong quy hoạch của TP Hà Nội đến 2020 dành 400 héc ta để xây dựng bãi đỗ xe, nhưng đến nay chưa được 1 héc ta. “Lãnh đạo thành phố phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm về vỉa hè chứ không phải một cơ quan nào khác”, tiến sỹ Thủy nói.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, ở các nước tiên tiến không có hiện tượng vỉa hè bị chiếm dụng vì vỉa hè là của người đi bộ, không được buôn bán. Ngoài ra nhà nước cần phải dành những khu đất trung tâm để xây dựng bãi đỗ xe. “Phải có quy hoạch rõ ràng, có cơ chế phù hợp cho các đơn vị xây dựng các bãi đỗ xe. Khi xây dựng các nhà cao tầng ở nội thành cần yêu cầu phải có hầm để xe mới cấp giấy phép xây dựng. Những nơi vỉa hè rộng, dành một phần cho thuê giữ xe, buôn bán, kinh phí đóng thuế cho nhà nước. Phải như vậy mới mong vỉa hè được trả lại cho người đi bộ”, ông Thủy nói thêm.