Sáng 29/11 là vụ hỏa hoạn xảy ra tại cửa hàng bán gas trong phố Bùi Ngọc Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Người dân cho biết, vào thời điểm trên, họ phát hiện xe tải chở gas BKS 29H - 001.38 đang giao hàng bất ngờ phát hỏa giữa ngõ.
Tiếp đến, sáng 1/12, người dân phát hiện đám cháy lớn xảy ra tại hẻm 2, ngõ 143/202 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt. Do ngôi nhà ở sâu trong hẻm, bị khóa nhiều lớp, quây kín tôn phía trên, mọi người phát hiện sớm tìm cách giải cứu nạn nhân nhưng không thành. Sau khi lực lượng chữa cháy có mặt, dập tắt đám cháy, 3 bà cháu đều đã tử vong.
Vụ việc đau lòng đang được điều tra làm rõ nguyên nhân, tuy nhiên hỏa hoạn xảy ra tại các căn nhà trong ngõ, ngách làm hạn chế nỗ lực tiếp cận chữa cháy của lực lượng chức năng, việc này đã được cảnh báo từ lâu.
Đơn cử riêng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có khoảng 1.700 ngõ, ngách nhỏ và 30 tuyến phố mà xe chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên dụng không thể tiếp cận nếu xảy ra sự cố cháy, nổ. Chưa kể các ngõ này có hệ thống điện đi nổi, chằng chịt, nhà dạng ống không có lối thoát nạn, nếu xảy ra cháy nổ thì hậu quả rất lớn do phương tiện cứu hỏa khó tiếp cận.
Nguy cơ cao với nhà “chuồng cọp”, chung cư mini
Đáng lo hơn, các ngõ nhỏ còn được “nhồi nhét” một hình thức nhà đông người ở gọi là chung cư mini. Ở ngõ Đại Đồng (Khâm Thiên, Đống Đa) hay ngõ 5 Trường Chinh (Thanh Xuân), có ngõ rộng vừa 2 xe máy đi vào nhưng được chất tải cả trăm căn hộ chia nhỏ để bán. Nhiều chuyên gia lo ngại, khi xảy ra cháy nổ, thì hậu quả sẽ nặng nề gấp nhiều lần.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC, Công an Thành phố Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có hàng nghìn khu dân cư có ngõ nhỏ và sâu vài trăm mét. Các khu vực này dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây dẫn điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô. Các gia đình đều chủ quan, thiếu kiến thức và trang thiết bị PCCC nên khi xảy ra cháy thì rất khó giải cứu người dân, cũng như chữa cháy.
Để phòng chống cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC cho biết, cần thực hiện trước hết phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cách PCCC và cách thoát nạn cho các hộ gia đình. Việc tập trung nâng cao kỹ năng sống, tuyên truyền ý thức phòng ngừa cho người dân sẽ là cách tốt nhất giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chú trọng hướng dẫn người dân cải tạo hệ thống điện, phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Giúp người dân xây dựng hoàn chỉnh các phương án chữa cháy và thoát nạn.
Ngoài lực lượng PCCC thì các xã, phường cần tiến hành rà soát, phân loại các khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao để có các biện pháp tăng cường an toàn PCCC; tiến hành lập phương án chữa cháy, khảo sát giao thông, nguồn nước, duy trì hoạt động của các đội PCCC dân phòng.