Người Pháp biểu tình ở thành phố Marseille, ngày 7/9. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 5/9, Tổng thống Macron bổ nhiệm ông Barnier, 73 tuổi, một quan chức phụ trách đàm phán về Brexit của Liên minh châu Âu, làm thủ tướng, khép lại cuộc tìm kiếm kéo dài 2 tháng.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách người đứng đầu chính phủ hôm 6/9, ông Barnier cho biết chính phủ của ông sẽ có những thành viên thuộc phe bảo thủ, phe trung dung của Tổng thống Macron và ông hy vọng một số người thuộc phe cánh tả.
Ông Barnier đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thúc đẩy các cải cách và quản lý ngân sách năm 2025, khi Pháp đang chịu sức ép từ Ủy ban châu Âu và thị trường trái phiếu phải giảm thâm hụt.
Phe cánh tả, do đảng France Unbowed (LFI) lãnh đạo, cáo buộc Tổng thống Macron chối bỏ nền dân chủ và phủ nhận kết quả bầu cử khi từ chối chọn ứng viên của liên minh Mặt trận bình dân mới (NFP), dù liên minh này dẫn đầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 7.
Ngày 6/9, hãng thăm dò Elabe công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy 74% người Pháp cho rằng Tổng thống Macron đã không dựa trên kết quả bầu cử khi bổ nhiệm thủ tướng.
Để phản đối việc bổ nhiệm ông Barnier – thành viên đảng trung hữu Les Republicains chỉ đứng thứ 5 trong quốc hội - các lãnh đạo đảng cánh tả, nghiệp đoàn và tổ chức sinh viên kêu gọi biểu tình trên diện rộng vào cuối tuần này và có thể đình công vào ngày 1/10.
Đảng LFI cho biết 130 cuộc biểu tình sẽ diễn ra trên khắp cả nước.
NFP và đảng cực hữu National Rally (RN) tạo thành nhóm chiếm đa số, vì thế họ có thể lật đổ thủ tướng thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu quyết định hợp tác.
Tuy nhiên, RN đã ngầm chấp thuận ông Barnier bằng cách nêu ra một số điều kiện để không xúc tiến bỏ phiếu bất tín nhiệm, giúp ông trở thành người quyết định thành phần chính phủ mới.