Hàng loạt vụ cháy quán karaoke: Cần làm rõ trách nhiệm hậu kiểm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bên cạnh trách nhiệm của các chủ cơ sở kinh doanh karaoke,theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cần làm rõ trách nhiệm qua các khâu cấp phép phòng cháy, kiểm tra sau cấp phép...

Trách nhiệm của các bên liên quan ra sao, theo ông?

Ở đây trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ cơ sở kinh doanh karaoke. Có thể do nhận thức, ý thức của chủ quán karaoke, không lường trước và có phần chủ quan, lơ là với công tác phòng cháy chữa cháy. Tại các cơ sở kinh doanh này, các nhân viên của quán có được tập huấn, có sử dụng thành thạo bình cứu hoả hay không? Nếu nhân viên được tập huấn kỹ năng, xử lý tốt ngay từ đầu, sẽ hạn chế tối đa những thiệt hại về người và của.

Rồi kế đến là trách nhiệm của lực lượng chức năng về phòng cháy chữa cháy và cơ quan điện lực, bởi thường cháy nổ xảy ra là do chập điện. Vậy công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn như thế nào, đã đảm bảo chưa? Rồi việc cho phép xây dựng, thiết kế phòng ốc trong quán karaoke thế nào? Hầu như các quán karaoke đều chứa những chất rất dễ cháy, cho nên khi xảy ra chập điện là cháy lây lan rất nhanh ra các phòng, các tầng.

Hàng loạt vụ cháy quán karaoke: Cần làm rõ trách nhiệm hậu kiểm ảnh 1
Hiện trường vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương. Ảnh: TN

Karaoke là loại hình dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Muốn quận, huyện cấp giấy phép kinh doanh thì phải có giấy chứng nhận về an toàn phòng cháy chữa cháy. Nhưng tại sao lại xảy ra tình trạng cháy hoài như vậy? Ở đây có trách nhiệm rất lớn của cơ quan phòng cháy chữa cháy trong việc cấp phép, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm. Là cơ quan chuyên môn, anh biết hết các cơ sở kinh doanh cần được trang bị những gì để phòng chống cháy nổ, nhưng khi xuống kiểm tra, anh có yêu cầu các chủ cơ sở thực hiện nghiêm túc không, hay cũng chỉ kiểm tra cho có? Liệu có tiêu cực, khuất tất gì không?...

Vậy trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép là gì?

Trước khi cấp phép, cơ quan phòng cháy chữa cháy phải cấp giấy chứng nhận, chứ không phải tự nhiên cấp giấy phép cho hoạt động. Thế nhưng, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm khi cấp giấy phép kinh doanh nhưng lại không có hậu kiểm. Với những dịch vụ kinh doanh có điều kiện, anh cấp giấy phép nhưng cũng cần phải có hậu kiểm, có sự phối hợp liên ngành để kiểm tra. Nhưng đằng này, anh thường chỉ xem xét và cấp giấy phép khi cơ sở kinh doanh đó đủ tiêu chí, tiêu chuẩn. Còn sau đó đi vào hoạt động, có đảm bảo an toàn không, việc kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ có thể lại bị xem nhẹ.

Hàng loạt vụ cháy quán karaoke: Cần làm rõ trách nhiệm hậu kiểm ảnh 2

ÐBQH Phạm Văn Hoà

Ngoài trách nhiệm của chủ quán, lực lượng phòng cháy chữa cháy, cơ quan điện lực, cần quy rõ trách nhiệm cơ quan cấp phép. Đây là vấn đề cần phải làm rõ, xử lý thích đáng để phòng ngừa, răn đe. Cán bộ chính quyền địa phương cần có trách nhiệm, để không lơ là, chủ quan trong phòng chống cháy nổ không chỉ với cơ sở kinh doanh karaoke, mà còn ở tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, nhà ở...

Cần đình chỉ quán karaoke không có lối thoát hiểm

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tổng rà soát, xem cơ sở kinh doanh karaoke nào không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy thì yêu cầu tạm dừng hoạt động ngay. Ông nghĩ sao

Tôi được biết hiện đang có sự rà soát toàn bộ các cơ sở kinh doanh, không chỉ quán karaoke mà các cơ sở khác cũng vậy. Nếu không đảm bảo phòng cháy chữa cháy thì phải lập biên bản, tạm dừng hoạt động. Khi nào chủ cơ sở đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ mới cho phép tiếp tục hoạt động trở lại. Nếu để xảy ra các vụ cháy cơ sở kinh doanh mà chưa được rà soát, chưa lập biên bản xử lý thì có trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan phòng cháy, trách nhiệm của liên ngành.

Ngoài các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, theo ông, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế các toà nhà kinh doanh karaoke có cần phải thay đổi, đặc biệt về lối thoát hiểm?

Quán karaoke là nơi tụ tập đông người, không chỉ thiết kế nhiều tầng, mà phòng ốc lại chứa rất nhiều vật dụng dễ cháy. Trong khi lối thoát hiểm lại hầu như không có, chỉ có lối lên xuống duy nhất. Đây là một thiếu sót trong cấp giấy phép xây dựng quán karaoke vừa qua, cần phải rút kinh nghiệm. Những cơ sở kinh doanh karaoke cũng như nhà hàng, khách sạn, buộc phải có chỗ thoát hiểm, không thể để mấy chục con người hát hò như trong một cái hộp kín bưng được. Theo tôi, cần phải rà soát, quán karaoke nào không có cửa thoát hiểm thì nên đình chỉ hoạt động.

Cảm ơn ông.

Chiều 11/9, báo cáo mới nhất từ Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, có 30 thi thể nạn nhân trong vụ cháy karaoke An Phú đã xác định được danh tính và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Còn 2 thi thể đang chờ kết quả xét nghiệm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, BSCK2 Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết, trong số 32 nạn nhân tử vong tại karaoke An Phú có 17 thi thể làm thủ tục bàn giao cho gia đình ngay tại tỉnh Bình Dương. Riêng 15 thi thể biến dạng được đưa đến Bệnh viện 175 (TPHCM) để xét nghiệm ADN. Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) được giao phối hợp bệnh viện để xử lý. Hiện còn 4 nạn nhân bị thương đang điều trị tại bệnh viện và sức khỏe ổn định.

Liên quan cơ sở karaoke An Phú, Cơ quan CSÐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, ông Lê Anh Xuân (SN 1980, ngụ TPHCM) đứng tên đăng ký kinh doanh từ năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2021, ông Xuân cho ông Phạm Quốc Khải (SN 1989, quê Hậu Giang) thuê lại.

HƯƠNG CHI

MỚI - NÓNG