Đoạn chưa đạt phải bỏ, thay thế
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công (lãnh đạo Bộ GTVT được phân công phụ trách dự án) vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 thuộc Bộ GTVT yêu cầu khắc phục các tồn tại của dự án nêu trên. Theo đó, về phần nền đường và mái taluy chưa đảm bảo yêu cầu, ông Công yêu cầu kiểm tra vật liệu, quy trình thi công. Những đoạn chưa đạt phải bóc bỏ, thay thế vật liệu. Về mặt đường, ông Công cho hay, ngay khi mới thi công hạng mục này, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu thực hiện đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, việc để xảy ra các khiếm khuyết tại dự án này (theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, lỗi hạng mục này gồm mặt đường tồn tại vết bánh lu, các mối dọc chưa đạt, đặc biệt nhiều đoạn mặt đường có độ rỗng lớn hơn quy định). “Vì vậy, trường hợp để xảy ra các tồn tại về chất lượng, nhà thầu và tư vấn giám sát phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về và xử lý triệt để, thay thế, làm lại đúng theo yêu cầu tiêu chuẩn, thiết kế” - ông Công nói. Về việc một dầm của cầu sông Cấm (cũng thuộc dự án này) bị kênh hơn so với các dầm khác 5 cm, Thứ trưởng GTVT yêu cầu làm rõ trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục triệt để.
Ông Công cũng cho hay, giải pháp đang được tính đến để khắc phục sự cố này là phải đắp dày thêm bề mặt cầu. “Biện pháp này có thể sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan nên cần có giải pháp khắc phục; còn yêu cầu an toàn không thể thay đổi” - ông Công cho biết. Ban QLDA 2 phải báo cáo các nội dung liên quan trước ngày 15/7. Dự kiến, cũng trong ngày 15/7, ông Công sẽ trực tiếp kiểm tra tại hiện trường.
Trả lời câu hỏi về việc mức độ giám sát và trách nhiệm của lãnh đạo bộ tại dự án, ông Công cho hay: Đây là dự án trọng điểm nên ông thường xuyên đi kiểm tra, tuy nhiên không có lịch kiểm tra định kỳ, có khi đi kiểm tra dự án này kết hợp với kiểm tra dự án khác.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về dự án
Ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia xây dựng (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) phân tích, Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ kiểm tra công trình trong thời gian ngắn có thể chưa phát hiện hết những sai sót của công trình. “Bản thân Ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm kiểm tra lại xem còn sai sót nào khác không? Không thể để một công trình mang tính biểu tượng của Việt Nam lại có những sai sót như thế”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, cầu vượt biển dài trong điều kiện sóng gió nên thi công càng khó khăn. Do vậy, phải đề cao tính trách nhiệm từ triển khai thi công đến giám sát thi công. Ngoài lỗi chính của nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư là Bộ GTVT thiếu sát sao và việc thu thập thông tin từ dưới lên trên chưa chuẩn. “Giám sát thi công sao để sai sót như thế mà vẫn nghiệm thu? Đó là lỗi của quy trình giám sát không tốt. Thử hỏi khi công nghệ thi công cầu vượt biển cao để sai sót kỹ thuật thế có chấp nhận được không?”, ông Hùng nói.
Còn ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng: Có những sai sót rất khó khắc phục sửa chữa. “Xuất hiện lỗi đấy mà cứ mải tranh luận với nhau lỗi này quan trọng hay không quan trọng rất mất thời gian. Phải tính toán, có con số cụ thể. Đặc biệt, quan điểm tư vấn thiết kế phải khẳng định toàn bộ lỗi này ảnh hưởng thế nào đến chịu lực nhịp cầu. Công trình trọng điểm, một dầm sản xuất tại sao kê cao thế”, ông Chủng nói. Ông Chủng cho biết thêm, theo Luật Xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện dự án.
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện thuộc dự án đường bộ Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tháng 10/2010, có tổng mức đầu tư gần 11.850 tỷ đồng. Dự kiến, cầu khánh thành vào dịp 2/9, kết nối dự án hạ tầng cảng Lạch Huyện với đất liền. Việc đi lại bằng ôtô giữa đất liền từ thành phố Hải Phòng sang đảo Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút thay vì hàng tiếng đồng hồ đi bằng phà.