Hàng loạt sai phạm của xã và huyện

Phá rừng chắn sóng để làm hồ nuôi tôm
Phá rừng chắn sóng để làm hồ nuôi tôm
TP - Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc được nêu trong bài viết “Phá rừng chắn sóng, dân thiệt, ai lợi” trên Tiền Phong số ra ngày 7-3, UBND tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận UBND huyện Nghi Xuân và UBND xã Xuân Đan để xảy ra hàng loạt sai phạm trong quá trình thực hiện.

> Phá rừng chắn sóng, dân thiệt, ai lợi?

Sai phạm

Thông tin trong bài báo phản ánh, lợi dụng chủ trương quy hoạch nông thôn mới, nhiều xã của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã tự ký hợp đồng với các nhà thầu chặt phá rừng phi lao ở trong và ngoài khu vực đê chắn sóng để làm hồ nuôi tôm.

UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn kiểm tra về xã Xuân Đan để xác minh sự việc.

Theo đó, đầu năm 2012, UBND xã Xuân Đan tự ý ký hợp đồng với ông Nguyễn Viết Khánh (trú tại xã Xuân Đan) thuê 4,4ha đất tại xóm Bình Phúc để nuôi trồng thủy sản với giá thuê hai năm đầu là 6 triệu đồng/ha và ba năm tiếp theo tính theo giá quy định của UBND tỉnh, bồi thường giải phóng mặt bằng giá phi lao là 15 nghìn đồng/cây.

Đối chiếu với các tài liệu và bản đồ quy hoạch liên quan cho thấy, khu đất UBND xã Xuân Đan cho ông Khánh thuê có 2,03 ha rừng phòng hộ và diện tích còn lại rừng sản xuất.

Toàn bộ diện tích đất rừng ông Khánh thuê chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng khác, chưa có quy hoạch mặt bằng sử dụng đất chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hồ sơ xin thuê đất của ông Khánh mới chỉ có đơn xin thuê đất và dự án đầu tư, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

UBND xã Xuân Đan đồng ý cho ông Khánh thuê đất khi chưa có chủ trương, quy hoạch được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, thu tiền thuê đất là trái với quy định của pháp luật, vi phạm thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.

Văn bản gửi Thủ tướng nêu, UBND xã Xuân Đan tự ý để cho ông Khánh san ủi, đào, đắp làm hồ nuôi tôm khi chưa thực hiện đầy đủ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các thủ tục khai thác tận dụng, thanh lý rừng.

Chưa có quyết định cho thuê đất của cấp có thẩm quyền là trái với quy định của Nhà nước về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Luật Đất đai. Không chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của huyện về việc đình chỉ thi công công trình.

Về trách nhiệm của UBND huyện Nghi Xuân, thiếu chỉ đạo, kiểm tra, buông lỏng công tác quản lý đất đai, dẫn đến địa phương tự ý cho thuê đất trái phép, vi phạm quy hoạch được duyệt.

Chậm xử lý khi sự việc xảy ra, không kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo và xử lý dứt điểm, dẫn đến vụ việc kéo dài, không báo cáo cho cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý.

UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định đình chỉ việc thi công. Yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.

Bỏ sót ?

Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản gửi Thủ tướng và các cơ quan liên quan, PV Tiền Phong liên lạc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn để được tiếp cận văn bản.

Ông Sơn hướng dẫn gặp ông Điện, chuyên viên Phòng Nông lâm của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, chỉ được xem và ghi chép lại văn bản chứ không được sao chụp.

Tại buổi làm việc với PV Tiền Phong, ông Điện nói đây là văn bản công khai không có việc gì phải che giấu. “Tôi phải thực hiện theo lệnh của lãnh đạo chỉ đạo”, ông Điện nói.

Nội dung bài viết “Phá rừng chắn sóng, dân thiệt, ai lợi” phản ánh nhiều xã tự ý ký hợp đồng với nhà thầu cho thuê đất nuôi tôm.

Tuy nhiên, tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ nêu sai phạm tại xã Xuân Đan. Còn các xã Xuân Phổ, Cương Gián báo phản ánh không được nhắc tới trong văn bản.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong ngày 26-3, đoàn kiểm tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh về ba xã trên kiểm tra nội dung báo nêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.