Hàng loạt dự án đăng ký tỷ đô: Làm gì để không nằm trên giấy?

Dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn SY (Hàn Quốc), vốn đầu tư dự kiến 450 triệu USD tại Bạc Liêu. Ảnh minh họa
Dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn SY (Hàn Quốc), vốn đầu tư dự kiến 450 triệu USD tại Bạc Liêu. Ảnh minh họa
TP - Tại hội nghị xúc tiến đầu tư của các địa phương thời gian qua, nhà đầu tư cam kết đầu tư nhiều dự án với số vốn tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh dấu hiệu đáng mừng này, lãnh đạo các địa phương cần có giải pháp thúc đẩy để các dự án thành hiện thực. Thực tế, có nhiều dự án đăng ký hoành tráng rồi chậm tiến độ và bị rút giấy phép.

Cam kết đầu tư nhiều dự án “khủng”

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên cả nước tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018. Rất nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án với số vốn vài trăm triệu đến cả tỷ USD cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển do Hà Nội tổ chức vào giữa tháng 7/2018 với 71 dự án được trao chứng nhận đầu tư (trong đó có 11 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI), với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5,4 tỷ USD). 

Dự án Lotte Mall Hà Nội của nhà đầu tư Hàn Quốc có vốn đăng ký 600 triệu USD, nhằm xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp gồm trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày. 

Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu, nhà đầu tư đăng ký dự án với tổng vốn 110.000 tỷ đồng. Nổi bật nhất của địa phương này là dự án điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn SY (Hàn Quốc), vốn đầu tư dự kiến 450 triệu USD. Theo Sở KH&ĐT Bạc Liêu, dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Long Điền (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là dự án năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay với tổng diện tích 400ha, tổng công suất 300 MW. Bạc Liêu đã cấp phép cho 10 dự án, trong tổng số hơn 20 dự án đăng ký đầu tư ở lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, nuôi tôm, các ngành công nghiệp hỗ trợ tôm, bệnh viện, nhà hàng khách sạn, trung tâm thương mại...

Mới đây nhất, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Cần Thơ (ngày 10/8/2018), lãnh đạo địa phương trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, vốn cam kết khoảng 8.000 tỷ đồng. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhà đầu tư, với tổng vốn đầu tư dự kiến vào các dự án này lên tới 85.000 tỷ đồng.

Hội nghị xúc tiến đầu tư ở nhiều tỉnh cũng ghi nhận số lượng vốn đăng ký lớn từ các nhà đầu tư như: Tiền Giang trao quyết định đầu tư cho 22 dự án, trao chủ trương cho 9 dự án với tổng vốn khoảng 16.000 tỷ đồng. Con số này ở tỉnh Sóc Trăng là 122.880 tỷ đồng (tương đương gần 5,4 tỷ USD), ở Thái Nguyên đạt 46.785 tỷ đồng; Bình Phước là 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD)…

Đánh giá về việc các tỉnh ồ ạt tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và nhận được số lượng đăng ký lớn, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng. Trước đây, khi vừa có chủ trương phân cấp thủ tục đầu tư, từng có thực trạng các địa phương đua nhau ưu đãi để thu hút. Nhưng sau nhiều bài học về việc nhà đầu tư đăng ký, chậm hoặc không thực hiện dự án, các địa phương đã có nhiều giải pháp hạn chế thực trạng này.

Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam dần xây dựng Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, địa phương cũng phải thay đổi cách xúc tiến đầu tư. Trong đó, lãnh đạo địa phương cần chọn lọc chất lượng dự án chứ không  chỉ tập trung thu hút ồ ạt để đạt số vốn lớn.

Ðịa phương phải tăng cường đốc thúc dự án

Là một trong những địa phương thu hút được nhiều nguồn vốn đăng ký đầu tư thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, đầu năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức gặp mặt nhà đầu tư. Địa phương này đã trao chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ cho 26 dự án với tổng vốn trên 13.152 tỷ đồng. Sau buổi gặp mặt, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã “đốc thúc” chủ đầu tư triển khai dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, chậm nhất đến ngày 20/6/2018 phải khởi công xây dựng. Tuy nhiên, số lượng dự án được khởi công vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay như Dự án Khu công nghiệp Hermaraj…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đốc thúc các nhà đầu tư của Nghệ An là nhằm tránh vết xe đổ của dự án đăng ký số vốn tỷ USD rồi để chậm tiến độ trước đó. Cụ thể, dự án Thép Kobelco đăng ký đầu tư với vốn 1 tỷ USD nhưng đến nay triển khai èo uột. Vào tháng 3/2010, Nghệ An chào đón tập đoàn Kobel Steel đến đầu tư dự án phôi thép Kobelco và là dự án có vốn lớn nhất tỉnh Nghệ An. Nhà đầu tư dự kiến xây dựng nhà máy đầu tiên ngay trong quý I năm 2011, và hai nhà máy nữa xây dựng trong giai đoạn tiếp theo. Tổng công suất của cả dự án sẽ là hơn 2 triệu tấn phôi thép mỗi năm. Đặc biệt, Kobe Steel áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất, thân thiện với môi trường và cho ra chất lượng sản phẩm tốt.

Thế nhưng, đến nay, “hình hài” của dự án chưa hình thành trong thực tế.

Nhà đầu tư đưa ra lý do cho sự chậm trễ này là điểm nghẽn về nguồn nguyên liệu. Dự kiến, dự án lấy nguyên liệu từ mỏ sắt Thạch Khê, nhưng đến nay mỏ sắt này chậm tiến độ, chưa đi vào khai thác, kéo theo nh iều hệ luỵ.

Trước thực tế nhiều dự án đăng ký ồ ạt nhưng chưa triển khai, trong Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu những dự án này “không được nằm trên giấy”. Thủ tướng cũng đề nghị doanh nghiệp phải “nói và làm”.

Theo một cán bộ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), sau khi nhà đầu tư đăng ký dự án, chính quyền địa phương phải rà soát kỹ năng lực, khả năng thực tế của chủ đầu tư, đồng thời giám sát chặt tiến độ, quá trình thực hiện. Thậm chí có biện pháp mạnh như rút giấy phép với nhà đầu tư có dấu hiệu chây ì thực hiện dự án. Từ đó mới tránh được việc nhà đầu tư đăng ký dự án tỷ USD rồi giữ đất, không triển khai dự án.

“Trên 1 tỷ USD được ký kết, xúc tiến tại hội nghị là con số ấn tượng, nhưng giữa giấy phép và hành động phải đi vào thực tế. Không được để dự án, giấy phép này nằm trên giấy”

                         Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Hơn 24 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 8 tháng

Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ KH&ÐT) cho biết, 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,4 tỷ USD. Nhà đầu tư cũng giải ngân khoảng 11,3 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Cả nước có 1.918 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư và 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là những nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.