Hàng loạt doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu

Nhiều cổ đông mong chờ chia cổ tức bằng tiền mặt hơn là cổ phiếu
Nhiều cổ đông mong chờ chia cổ tức bằng tiền mặt hơn là cổ phiếu
TPO - Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã đua nhau trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngày 18/6 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) để chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu thưởng tổng tỷ lệ trên 61%. Theo thông tin từ VPB, doanh nghiệp này đã trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu tỷ lệ 30,21% và phát hành cổ phiếu thưởng do tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 31,6%. Tổng tỷ lệ phát hành 61,81%.

Theo sau VPBank, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank, mã: HDB) cũng thực hiện chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền tỷ lệ 13%. Như vậy HDBank sẽ chi khoảng 1.275 tỷ đồng trả cổ tức lần này cho cổ đông. Trước đó HDBank đã quyết định nâng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2017 tỷ 30% như kế hoạch lên 35% nhờ kết quả kinh doanh vượt kế hoạch. Trong đó sẽ trả 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Từ khi chào sàn tháng 8/2013 đến nay, công ty CP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) chi trả cổ tức 2 lần vào tháng 11/2013 và tháng 2/2018 với tỷ lệ lần lượt là 5% và 3%. Đổi lại, cổ đông FLC được nhận thêm một lượng cổ phiếu lớn sau 6 lần công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu. Hơn 77 triệu cổ phiếu niêm yết lần đầu đến nay đã lên tới hơn 682 triệu cổ phiếu. Trung bình mỗi năm FLC phát hành hơn 61 triệu cổ phiếu mới.

Trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2018, FLC trình cổ đông kế hoạch phát hành 27,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 và 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn.

Cổ phiếu ROS của công ty CP Xây dựng Faros tuy mới lên sàn chưa đầy 2 năm nhưng cũng có 2 lần trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và 10%, chưa một lần trả cổ tức tiền mặt. Theo đó, số lượng cổ phiếu ROS lưu hành tăng 32% từ 430 triệu ban đầu lên 567,6 triệu như hiện nay.

Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Faros cũng đã thông qua kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp để tăng vốn, nâng số lượng cổ phiếu lưu hành lên 867,6 triệu cp. Trong khoảng 7 tháng trở lại đây, cổ phiếu ROS đã mất hơn 2/3 giá trị, giảm từ gần 180.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2017 xuống còn 41.000 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 7/8.

Hàng loạt doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu ảnh 1 ITA cũng chưa một lần trả cổ tức bằng tiền mặt từ khi lên sàn chứng khoán năm 2006 đến nay

Từ khi niêm yết trên sàn HOSE vào cuối năm 2006 đến nay, công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã: ITA) chưa một lần trả cổ tức tiền mặt mà chỉ trả bằng cổ phiếu. Ngoài ra, ITA còn phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ, phát hành cho cán bộ công nhân viên… Do đó mà lượng cổ phiếu niêm yết của Tân Tạo tăng phi mã từ 45 triệu lên hơn 938 triệu cổ phiếu (gấp hơn 20 lần). Quý 1/2018, Tân Tạo báo lỗ sau thuế 5,5 tỷ đồng; cổ phiếu ITA hiện có giá chỉ 2.760 đồng/cp.

CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu. Từ khi niêm yết vào tháng 6/2010 đến nay, DLG có tới 8 lần trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng và một lần phát hành thêm. Hiện, số lượng cổ phiếu DLG là 285 triệu, tăng gần gấp 10 lần so với lúc mới phát hành chỉ 29,1 triệu.

Theo các chuyên gia tài chính, bản thân việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm lợi trực tiếp cho cổ đông. Chỉ khi nào lợi nhuận giữ lại được tái đầu tư có hiệu quả làm giá cổ phiếu tăng lên thì cổ đông mới có lợi. ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư có thể sẽ bị thiệt nhãn tiền khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá, nhưng giá áp dụng cho cổ phiếu trả cổ tức vẫn bằng mệnh giá.
MỚI - NÓNG