Hàng loạt đại gia bị bán giải chấp cổ phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhiều lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp như Công ty CP Đầu tư LDG, Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu… bị kích hoạt lệnh bán giải chấp (bán bớt cổ phiếu bằng mọi giá, để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định).

Ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) - vừa bị bán ra 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 28/10.

Lý do là ông Hưng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu LDG, diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này liên tục bị bán tháo và giảm mạnh. Cụ thể, từ ngày 7/1 đến ngày 28/10, cổ phiếu LDG giảm 79,6% từ 27.300 đồng về 5.560 đồng/cổ phiếu.

Hàng loạt đại gia bị bán giải chấp cổ phiếu ảnh 1

Ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư LDG - vừa bị bán giải chấp 713.000 cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ.

Đây không phải lần đầu ông Hưng bị bán giải chấp cổ phiếu. Trong đợt biến động mạnh của thị trường chứng khoán hồi tháng 3/2022, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cũng đã bán giải chấp hơn 2,5 triệu cổ phiếu LDG của ông Hưng.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Thu - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán: DRC) - đã đăng ký mua vào 10.000 cổ phiếu DRC. Thời gian giao dịch dự kiến từ 10/10 đến 8/11/2022. Bà Thu đăng ký mua vào cổ phiếu DRC ngay sau khi bị Công ty Chứng khoán SHS thực hiện bán giải chấp đúng 10.000 cổ phiếu DRC, trong phiên 5/10.

Thông báo phát đi của Công ty Chứng khoán VPS cho thấy ông Đinh Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) bị VPS bán giải chấp 24.500 cổ phiếu HBC. Thời gian giao dịch được thực hiện từ ngày 24/10.

Cũng trong phiên 24/10, ông Đinh Văn Thanh đã báo cáo giao dịch bán ra lượng cổ phần trên do công ty chứng khoán bán giải chấp theo phương thức khớp lệnh. Trong phiên này thị giá HBC giảm sàn về 11.550 đồng/cổ phiếu.

Sau giao dịch, lượng cổ phiếu HBC ông Thanh nắm giữ giảm từ 112.350 đơn vị còn 87.850 đơn vị, tương đương 0,03% vốn điều lệ của Xây dựng Hòa Bình. Lãnh đạo Công ty Xây dựng Hòa Bình bị bán giải chấp cổ phiếu trong bối cảnh thị giá HBC đang có chuỗi lao dốc mạnh thời gian gần đây.

Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên hội đồng quản trị độc lập của Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán: HDC) - vừa thông báo bị công ty chứng khoán bán giải chấp 73.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp xuống còn 0,13% vốn điều lệ, tương ứng 139.115 cổ phiếu).

Một cổ đông khác có liên quan tới ông Tuấn Anh tại Hodeco cũng vừa báo cáo giao dịch bán ra cổ phiếu HDC với cùng lý do công ty chứng khoán bán giải chấp. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh (nơi ông Tuấn Anh giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị) đã bán ra 68.600 cổ phiếu HDC, giảm lượng nắm giữ xuống còn 148.500 cổ phiếu (0,14% vốn điều lệ). Thời gian thực hiện giao dịch được cũng từ ngày 21/10 đến 24/10.

Trong hai phiên 21/10 và 24/10 hai cổ đông bị bán giải chấp cổ phiếu, thị giá HDC giảm sàn liên tiếp, đóng cửa phiên 24/10 tại mức 29.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng vùng giá thấp nhất 17 tháng. Việc liên tục bị bán tháo trong thời gian qua khiến HDC đánh mất 68% kể từ đỉnh đầu năm.

Sau khi bị bán giải chấp, ông Tuấn Anh và Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh tiếp tục đăng ký bán ra toàn bộ lượng cổ phần HDC còn nắm giữ, lần lượt là 139.115 cổ phiếu và 148.500 cổ phiếu. Thời gian giao dịch dự kiến từ 28/10 đến 25/11/2022.

Hàng loạt đại gia bị bán giải chấp cổ phiếu ảnh 2

Lãnh đạo và cổ đông Công ty CP Phát triển nhà Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu HDC.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu ông Nguyễn Tuấn Anh và tổ chức có liên quan là Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. Trong phiên giao dịch 13/10, ông Tuấn Anh đã bán ra 34.900 cổ phiếu HDC, còn Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh đã bán ra 32.900 cổ phiếu HDC vì bị công ty chứng khoán bán giải chấp.

Tương tự, hồi tháng 6, Công ty CP Đầu tư Thiên Anh Minh cũng buộc phải bán ra 200.000 cổ phiếu HDC cũng với lý do bị công ty chứng khoán bán giải chấp.

Hồi tháng 4, ông Nguyễn Mạnh Tuấn (biệt danh “thầy A7” trên các diễn đàn chứng khoán) - Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty CP Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 200 cổ phiếu L14.

Cổ phiếu L14 từng trở thành một hiện tượng tăng “nóng”, vào đầu năm nay chạm đỉnh gần 440.000 đồng/cổ phiếu - đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. Nhưng sau đó mã này lại liên tục giảm sâu. Chốt phiên giao dịch 28/10, dù cổ phiếu L14 đảo chiều tăng trần, nhưng tính chung vẫn bị giảm gần 90% so với giá đỉnh lịch sử hồi đầu năm.

Bán giải chấp cổ phiếu (Force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Đây là đối tượng nhà đầu tư mua chứng khoán có sử dụng tiền vay của công ty chứng khoán, cổ phiếu có được từ giao dịch này được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay, còn gọi là giao dịch ký quỹ (vay margin).


Hành động này thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bằng cách vay ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu bị giảm xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư lại chưa nộp thêm tiền bù vào.

Thông thường trước khi bán giải chấp cổ phiếu, công ty chứng khoán sẽ thông báo để khách hàng biết trước. Nếu nộp thêm tiền, tài khoản ký quỹ sẽ trở lại ngưỡng an toàn, nhà đầu tư không bị bán giải chấp.

MỚI - NÓNG