Lợi nhuận âm, bị cắt margin nhưng một cổ phiếu vẫn tăng trần 8 phiên liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đi ngược đà lao dốc của thị trường, từ phiên 29/9-10/10, cổ phiếu L43 của Công ty CP Lilama 45.3 tăng trần 8 phiên liên tiếp. L43 tiếp tục bị HNX cắt margin trong quý IV/2022, đang nằm trong diện cảnh báo, lợi nhuận sau thuế 6 tháng tại báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022 là số âm.

Thực hiện giải trình với HNX và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định, L43 cho biết việc cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp hoàn toàn do cung cầu của thị trường. "Việc mua bán cổ phiếu do các nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty, công ty không có sự tác động để làm tăng giá cổ phiếu,” L43 giải trình.

Trước khi đánh dấu chuỗi phiên tăng trần ấn tượng, L43 nhiều phiên không có thanh khoản, hoặc chỉ giao dịch vài trăm cổ phiếu. Thị giá lình xình ở mức "trà đá" 3.400 đồng/cổ phiếu. Mạch tăng trần của L43 chỉ bị ngắt quãng trong phiên giao dịch ngày 11/10, khi cổ phiếu này đóng cửa lên hơn 7,35%. Hôm nay (12/10), L43 tăng trần trở lại, kết thúc phiên lên mức 8.000 đồng/cổ phiếu. Một phiên ngắt mạch tăng trần ngày 11/10 giúp L43 tránh phải giải trình theo quy định, áp dụng với 5 phiên tăng trần liên tiếp.

Lợi nhuận âm, bị cắt margin nhưng một cổ phiếu vẫn tăng trần 8 phiên liên tiếp ảnh 1

L43 tăng trần 8 phiên liên tiếp.

Trong bối cảnh cổ phiếu tăng mạnh, ông Mạc Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc L43 - đăng ký bán ra 16.000 cổ phiếu L43 theo hình thức khớp lệnh trên sàn vì lý do cá nhân, từ ngày 11/10 - 11/11. Số tiền thu về ước tính khoảng gần 117 triệu đồng. Sau giao dịch, ông Hải chỉ còn sở hữu 1,700 cp L43, tương ứng 0.05% cổ phần.

Ngoài L43, hai cổ phiếu khác thuộc “họ” Lilama cũng cắt margin, do doanh nghiệp thua lỗ trong 6 tháng đầu năm, đó là L61 (CTCP Lilama 69-1) và L62 (CTCP Lilama 69-2).

L43 tăng trần dù đang nằm trong diện cảnh báo, cắt margin trong quý 4/2022, lợi nhuận sau thuế 6 tháng tại báo cáo tài chính bán niên soát xét 2022 là số âm. Nửa đầu năm 2022, doanh thu L43 đạt hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí giá vốn và chi phí tài chính đã ăn mòn gần hết doanh thu, kết quả L43 báo lỗ gần 5 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2022.

Tình hình hoạt động kinh doanh của L43 trong vài năm trở lại đây cũng không mấy khả quan. Mức lợi nhuận theo năm kể từ 2014 tới nay không quá 500 triệu đồng, thậm chí nhiều năm lỗ hàng chục tỷ. Còn nếu xét theo quý, 4 quý gần đây nhất lợi nhuận của doanh nghiệp này đều thua lỗ.

Lilama 45.3 tiền thân là Công ty Lắp máy và xây dựng 45.3 thuộc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam được thành lập ngày 27/01/1993. Ngành nghề kinh doanh chính của xây dựng, lắp đặt các công trình dân dụng, công nghiệp, đường dây tải điện, trạm biến thế; thi công xử lý nền móng, trang trí nội thất, lắp ráp máy móc...

Cổ phiếu L43 được niêm yết trên sàn HNX từ tháng 6/2008. Kể từ khi lên sàn tới nay, L43 chưa từng tăng vốn điều lệ, giá trị giữ nguyên ở mức 35 tỷ đồng.

Về cơ cấu cổ đông tại L43, hiện Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: LLM) đang là cổ đông lớn nhất tại đây với việc nắm giữ hơn 1,4 triệu cổ phiếu (tương ứng 40,83% vốn điều lệ). Ngoài ra danh sách còn hai cổ đông lớn là Trần Nguyễn Sông Hàn với 12,07% vốn và CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc sở hữu 9,9% vốn. Cơ cấu L43 khá cô đặc, lượng cổ phiếu trôi nổi chỉ hơn 1,1 triệu đơn vị.

MỚI - NÓNG