Hàng loạt công trình cấp nước “đắp chiếu”

Hàng loạt công trình cấp nước “đắp chiếu”
TP - Lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk cho khảo sát, điều tra về thực trạng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, khoảng 60% số công trình đang bị bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả.

> Phơi nắng hàng loạt

Dân ở xã Cư Kty vẫn phải dùng nước song
Dân ở xã Cư Kty vẫn phải dùng nước song.

Tỉnh Đắk Lắk đã thuê Liên hiệp các hội khoa học của tỉnh điều tra, khảo sát toàn bộ các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) có quy mô vừa và lớn trên địa bàn.

Trong số 82 CTCNTT quy mô lớn và vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có 16 công trình có chất lượng tốt, 17 công trình trung bình; 49 công trình còn lại đều trong tình trạng bị bỏ hoang, hoạt động yếu kém, hoặc chưa hoạt động dù đã quá thời hạn thi công theo cam kết (chiếm 60%).

Hàng loạt CTCNTT đang bị bỏ hoang như: Buôn Tul (huyện Buôn Đôn), Cư Kbang (Ea Súp), Buôn Trắp (huyện Krông Năng), Đray Linh (TP. Buôn Ma Thuột)…

Đặc biệt, cụm 5 CTCNTT mới được xây dựng từ năm 2008 đến nay, với vốn đầu tư từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đang trong tình trạng không hoạt động, bị bỏ hoang, gồm: Ea Tul (huyện Cư M’gar), Ea Rốk (huyện Ea Súp), Ea M’lay (huyện MĐrắk), Ea Tóh (huyện Krông Năng), Cư Kty (huyện Krông Bông).

Hư hỏng, xuống cấp, nước không chảy, bị bỏ hoang… là thực trạng phổ biến đối với các CTCNTT ở Đắk Lắk do chính quyền cấp xã và các tổ chức dưới xã quản lý, vận hành.

Theo kết quả của cuộc điều tra, các công trình bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả là do lâu nay hầu như không có ai quản lý, vận hành. Các CTCNTT được giao cho chính quyền xã (thường do một phó chủ tịch xã phụ trách) quản lý trực tiếp.

Các phó chủ tịch sau đó lại giao công trình cho một số cộng tác viên rồi phó mặc. Trong số 35 công trình được giao, chính quyền xã quản lý, vận hành, có tới 31 công trình không hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, chỉ có 4 công trình được xếp loại trung bình; 32 công trình do các HTX, hội dùng nước quản lý cũng có đến 18 công trình bị bỏ hoang hoặc hoạt động yếu kém, số còn lại đang hoạt động cầm chừng.

Một số CTCNTT do cấp xã và dưới xã quản lý, dù theo báo cáo là vẫn đang có nước, nhưng do nước đầu nguồn ô nhiễm, các bể lắng, thiết bị lọc… lâu ngày không được làm vệ sinh, xả thải, xả cặn, cung cấp nước không đạt tiêu chuẩn.

Tiến sỹ Tôn Nữ Tuấn Nam, phụ trách nhóm điều tra khảo sát cho biết, khảo sát tại 15 CTCNTT do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (TTNSH&VSMTNT) tỉnh Đắk Lắk quản lý cho thấy, có tới 14 công trình xếp loại tốt, chỉ 1 công trình xếp loại trung bình.

Theo ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc TTNSH&VSMTNT tỉnh Đắk Lắk, trung tâm vận hành công trình một cách bài bản. Trung tâm cũng lấy người tại đia phương để quản lý, vận hành công trình. Sau khi ký hợp đồng làm việc, những người này được Trung tâm đào tạo

bài bản về chuyên môn, sau đó cứ 2 năm họ sẽ được thi nâng ngạch một lần, theo tiêu chuẩn của công nhân kỹ thuật. Các quyền lợi khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... được bảo đảm nên họ yên tâm làm việc và làm việc có trách nhiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG