Hàng cũ

Hàng cũ
TP - Hai ông nhạc sĩ ở phía Bắc tuổi còn tương đối trẻ vừa đồng thanh kêu lên trước việc nhạc “sến”, nhạc cũ “ủy mị, sướt mướt” vẫn thượng phong và còn “trẻ hoá” trong thị trường ca hát.

> Giải Cống hiến: Tham vọng tiến ra hải ngoại
> Tận dụng nhà báo khi cần?

Tỏ ra tôn trọng gu thưởng thức các dòng nhạc khác nhau của khán giả, cả hai chỉ tung búa rìu vào đông đảo ca sĩ trẻ đang chạy theo nhạc “sến” để hốt tiền. Một ông coi đó là hành vi “a dua thiếu nhận thức”, ông thì bảo đó là chỉ dấu của một “xã hội thiếu văn minh”.

Rằng “nhạc xưa càng phát triển bao nhiêu thì nhạc nay càng yếu đi bấy nhiêu”! Dù đã rào đón, nhưng nói vậy chả khác nào bảo người nghe cũng “kém văn minh” theo ?!

Những người phản bác sẽ bảo, rằng cầu đến đâu cung theo đến đấy, chả ai ép được ai. Phải hỏi vì sao nhiều người hát, vẫn nhiều người nghe? Tâm thế con người, xã hội trước thời đại như thế nào, cái gu nghe nhạc của họ thế đấy. Nói nhạc xưa, nhạc sến “ủy mị, sướt mướt”, là trong tương quan với dòng “nhạc đỏ” một thời mạnh mẽ, hùng tráng.

Nay con người không còn phải gồng lên ra trận, nhưng ai bảo tâm thế phấp phỏng, bất an không còn? Rồi thử đem nhạc xưa ra so với vô số cái gọi là “nhạc trẻ” bây giờ, thứ nào não tình, sướt mướt hơn ?

Cũ nhưng đã “đến”, còn mới mà chưa “tới”. Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ những ngày này các sân khấu cùng lúc chật kín khán giả, hết chỗ, nhiều người còn ngồi ngoài sảnh xem qua màn hình. Giới chuyên môn phàn nàn, rằng kịch của Vũ mấy mươi năm trước diễn thế nào, nay diễn y như vậy, chả hề gia công làm mới thêm tí nào.

Nhưng khán giả lại không quan tâm đến điều đó, bởi họ chỉ cần biết mọi hỉ, nộ, ái, ố trong kịch Lưu Quang Vũ đã “đến” được với lòng họ, soi chiếu giùm bao nhiễu nhương, bất an của đời sống hiện đại. Dù khi Vũ qua đời nhiều khán giả còn chưa sinh ra.

Nói vậy để thấy đó luôn là bi kịch mang tính quy luật trong sáng tạo và thưởng lãm ở tầm nhân loại, từ cổ chí kim. Luôn có những thời đại trống vắng thiên tài, và cả không có chỗ cho thiên tài. Như “những chân trời không có người bay”, và “những người bay không có chân trời” (Trần Dần).

Một dòng nhạc cũ hoặc một dòng văn chương, nghệ thuật lâu đời vẫn mãi là thời thượng, khi thời đại đã quá nhiều biến chuyển, phức hệ, thì sự âu lo, sốt ruột là chính đáng. Nhưng giới sản xuất ra phải tự trách mình, trước khi trách người phân phối và tiêu dùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG